Thứ Ba, 26/11/2024 02:05:34 GMT+7
Lượt xem: 3021

Tin đăng lúc 07-08-2016

Bài học xây dựng thương hiệu từ những người trong cuộc

Lần đầu tiên chương trình Fobers Talks được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Với lối kể chuyện thú vị, hài hước, đại diện các thương hiệu hàng đầu của Việt Nam đã chia sẻ nhiều câu chuyện sống động và bổ ích về xây dựng thương hiệu…
Bài học xây dựng thương hiệu từ những người trong cuộc
Hàng Việt Nam chất lượng cao với những thương hiệu tên tuổi đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước

Câu chuyện của các thương hiệu

 

Mở đầu cho câu chuyện về hành trình 20 năm xây dựng thương hiệu chung cho Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - cho rằng, bà là người may mắn được tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu Việt ngay từ những ngày đầu.

 

 

Bà Vũ Kim Hạnh (trái) và bà Phạm Thị Việt Nga, CEO Dược Hậu Giang - hai nữ tướng về xây dựng thương hiệu của Việt Nam

 

 

Theo bà Hạnh, Việt Nam lúc đó chưa biết đến thương hiệu mà chỉ nói đến nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó ý tuởng xây dựng thương hiệu chung cho hàng Việt Nam và xây dựng tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) để kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt đã được bà Vũ Kim Hạnh khởi xướng thực hiện.

 

Bà Hạnh cho biết, ban đầu tờ báo kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt Nam nhưng khi người tiêu dùng hỏi ngược lại: Ủng hộ hàng Việt nào? Lúc đó chúng tôi mới làm cơ sở dữ liệu thăm dò, khám phá những thương hiệu hàng Việt được người tiêu dùng ưa thích. Khái niệm HVNCLC ra đời từ đó.

 

Cho đến nay, sau hơn 20 năm theo đuổi đầy nhiệt huyết và đam mê, thương hiệu HVNCLC đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nội địa. Nhiều thương hiệu Việt đồng hành với HVNCLC đã phát triển lên một tầm cao hơn nữa như Vinamilk hay Dược Hậu Giang.

 

Đúc kết ngắn gọn những nguyên nhân thành công của thương hiệu HVNCLC, bà Hạnh khẳng định: Thứ nhất, các doanh nghiệp (DN) phải theo sát và bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Thứ hai, phải thường xuyên có bộ máy hỗ trợ DN. Thứ ba, phải tận dụng tối đa các biện pháp truyền thông như lễ hội đường phố về hàng Việt, các game show gắn với các thương hiệu Việt…

 

Thương hiệu X-Men, một nhãn hiệu dành cho nam giới lại là câu chuyện thú vị của ông Phan Quốc Công - Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP).

 

 

Các câu chuyện thú vị về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu thu hút sự quan tâm của nhiều start-up trong chương trình Fobers Talks

 

Năm 2003, thị trường các sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam giới rất đơn giản và có tới 95% dùng đồ của nữ giới từ dầu gội đầu, sữa tắm, các sản phẩm chăm sóc tóc… Những người sáng lập ra Công ty CP ICP đã nhìn thấy cơ hội tuyệt vời từ việc xây một thương hiệu dành riêng cho nam giới: X-Men ra đời từ ý tưởng độc đáo đó.

 

Tuy nhiên làm thế nào để X-Men in đậm trong tâm trí của người tiêu dùng? Bí mật đã được ông Công chia sẻ. Về phát triển sản phẩm, X-Men đã tạo nên sự khác biệt bằng việc tập trung phát triển những mùi hương độc đáo và quyến rũ dành cho nam giới. Về marketing và quảng cáo, X-Men đã vượt lên trên những cách thức quen thuộc và lối mòn của nhiều nhãn hiệu quốc tế lúc đó như: Dầu gội đầu sẽ là quảng cáo về ngứa đầu hay tóc xơ, hay gầu… rồi đến tinh chất chiết xuất trong dầu gội đầu và hình ảnh sảng khoái với tóc mượt không ngứa của người sử dụng… X-Men không nhắc đến dầu gội đầu nhưng lại khiến người xem ấn tượng với hình ảnh những anh chàng đẹp trai, mạnh mẽ rất đàn ông qua những pha hành động phiêu lưu, mạo hiểm cứu mỹ nhân và có những mùi hương quyến rũ…

 

Thành công của thương hiệu X-Men chính bởi 3 yếu tố: Xác định đúng phân khúc thị trường cho sản phẩm; tạo sự khác biệt cho sản phẩm (các mùi hương); marketing và quảng cáo hoàn toàn khác biệt và ấn tượng.

 

Bài học về xây dựng thương hiệu

 

Bà Hoàng Thị Mai Hương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty liên doanh Saatchi & Saatchi - người có 18 năm kinh nghiệm trong việc đưa ra các ý tưởng marketing và quảng cáo cho các thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã chia sẻ một yếu tố quan trọng đối với DN đặc biệt là các DN khởi nghiệp (Start-up).

 

Để xây dựng thương hiệu, cần phải có được tình yêu của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Muốn làm được điều đó, trước hết sản phẩm phải tốt. Nếu sản phẩm không tốt thì không nên làm thương hiệu. Đặc biệt “Đối với DN start-up, cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và chú trọng cách ứng xử với người tiêu dùng. Luôn minh bạch và tiếp thu thì người tiêu dùng sẽ tha thứ và đón nhận” - bà Hương chia sẻ.

 

Ông Phan Quốc Công cũng nhấn mạnh: Để tạo dựng thương hiệu cần xác định được phân khúc của sản phẩm và có những ý tưởng khác biệt trong phát triển sản phẩm và quảng cáo tiếp thị.

 

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, để xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm của Việt Nam, chỉ có sự nỗ lực của DN chưa đủ mà cần có sự liên kết chung của các giới từ ngân hàng đến Chính phủ. Bà cũng nhận đinh, sức mạnh thương hiệu chung của hàng Thái Lan (được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng) là nhờ nội lực của nhiều giới gắn kết hỗ trợ nhau, trong đó phải kể đến vai trò của Chính phủ Thái Lan. 6 tháng cuối năm 2013, khi nhiều DN Thái Lan gặp khó khăn, Bộ Thương mại Thái Lan đã hỗ trợ 2,1 tỷ USD cho 500 DN Thái tham dự 81 hội chợ quốc tế. Vì thế hàng Thái là bài học thương hiệu của nhiều giới chứ không phải riêng DN, vì nếu chỉ một mình DN không thể cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay.

 

 

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm BSA:

 

DN Start - up có rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là cần chọn phân khúc thị thường nào khả thi và phù hợp với năng lực của mình. Start - up cần cố gắng có mặt ở tất cả mọi nơi để giới thiệu về mình và nên dựa vào các công cụ truyền thông để quảng bá thương hiệu.

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang