Thứ Năm, 21/11/2024 23:23:07 GMT+7
Lượt xem: 1224

Tin đăng lúc 02-08-2022

Ban Chỉ đạo TƯ về ATTP: Cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm

Trong thời gian qua, việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đã được Chính phủ chỉ đạo, các Bộ, ngành quan tâm tăng cường kiểm tra, giám sát nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động sản xuất và chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh ATTP , đáp ứng nhu cầu của người dân, an toàn cho xã hội.
Ban Chỉ đạo TƯ về ATTP: Cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm
Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc

 

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao các Bộ, ngành, lực lượng chức năng đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo công tác ATTP trong 6 tháng đầu năm, tạo niềm tin cho người dân và trật tự an toàn xã hội.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện nay công tác quản lý ATTP đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

 

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn".

 

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý ATTP đã đạt kết quả tích cực; theo báo cáo tính đến ngày 15/6: Ngành Công Thương xử lý 1.472/2.493 vụ việc với số tiền 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 10,5 tỷ đồng; Ngành Y tế đã kiểm tra trên 290.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 30.000 cơ sở vi phạm, xử lý 6.181 cơ sở với tổng số tiến phạt là 52 tỷ đồng; Ngành Nông nghiệp xử lý vi phạm 1.184/26.672 cơ sở thanh tra, kiểm tra với số tiền 13,25 tỷ đồng; Lực lượng công an đã phát hiện 4.921 vụ việc vi phạm về ATTP, khởi tố 7 vụ, còn lại là xử lý hành chính và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền với tổng số tiền phạt là 18,5 tỷ đồng.

 

Về kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngành Y tế đã thực hiện kiểm nghiệm 15.200 mẫu thực phẩm, trong đó có 452 mẫu không đạt. Ngành Nông nghiệp lấy 16.826 mẫu nông lâm thuỷ sản, phát hiện 444 mẫu vi phạm. Tính đến ngày 18/7, theo báo cáo của 30 tỉnh/thành phố, trong số 36.088 mẫu thực phẩm được giám sát có 1.570 mẫu không đạt.

 

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp BCĐ liên ngành TW về ATTP

 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm, các Bộ, nghành cần tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, Cụ thể, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế siết lại hệ thống thông tin an toàn thực phẩm đúng theo tinh thần của Luật ATTP để người dân nhận diện được các địa chỉ ATTP. Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, phát hiện kịp thời nhằm ngăn ngừa và xử lý các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm gây mất ATTP.

 

Đối với lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng, các ngành y tế, văn hoá, thông tin và truyền thông chủ động rà soát, làm việc với các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng xã hội để chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, trên tinh thần đặt lợi ích, sức khỏe của người dân lên hàng đầu và phải làm rõ trách nhiệm của từng ngành. Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP, nhất là trong thời gian qua nhiều vụ ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu xảy ra gần đây, xuất hiện chất gây nghiện trong thực phẩm chức năng, hàng kém chất lượng… Nhằm khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác đối với các loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng, kiên quyết đấu tranh nói không với các loại thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh ATTP để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công Đăng


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang