Theo đại diện Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, tiếp nối đà tăng trưởng, mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 là tín hiệu đáng mừng khi công tác kết nối hàng hóa, các chương trình an sinh xã hội, phát triển thị trường nội địa đã được phát huy hiệu quả.
“6 tháng đầu năm, một tín hiệu rất vui là tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế tại Việt Nam, góp phần vào việc phục hồi kinh tế. Người tiêu dùng rất hào hứng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước và đặc biệt là ưu tiên những nhóm sản phẩm đặc sản vùng miền, những sản phẩm mang tính bình ổn thị trường, góp phần vào phục vụ an sinh xã hội giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa cũng tiêu thụ được hàng hóa của mình. Các địa phương đang vào cuộc rất tích cực trong việc kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với phục hồi kinh tế trong nước. Những chương trình, những xu hướng tiêu dùng mới đấy là chuyển đổi số khi thương mại điện tử cũng đang tích cực vào cuộc để hàng hóa tiêu dùng được thuận lợi hơn, góp phần tiết kiệm chi phí cho cả nền kinh tế trong nước”, bà Lê Việt Nga cho biết.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức, thị trường nội địa cho thấy sức hấp dẫn và vai trò quan trọng. Đặc biệt, thông qua việc thúc đẩy các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp đà tăng trưởng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
“Tiêu dùng trong nước thể hiện qua tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng khá. Nếu duy trì như tốc độ này thì tiêu dùng trong nước sẽ góp phần đóng góp rất nhiều để bù đắp cho sự suy giảm về xuất khẩu. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao về tiêu dùng trong nước của Việt Nam. Cụ thể, tiêu dùng của thương nhân, tiêu dùng của các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì được tốc độ khá, sức mua của người dân ở trong nước trong vẫn tiếp tục được duy trì. Điều này cũng là cơ sở rất quan trọng để các tổ chức quốc tế đặt kỳ vọng cao tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ở mức trung bình khá trong năm nay”, Tiến sỹ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 được Quốc hội thông qua, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm 2% từ 1/7 đến 31/12/2023. Với mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát.
“Tổng kết chính sách tài khóa 2022, giảm thuế VAT có tác động mạnh nhất, có một điểm rất đặc biệt, rõ ràng một chính sách tài khóa thực hiện từ trước đến giờ chưa có nhưng những tác động của các chính sách này làm cho kinh tế mở rộng rất nhanh nên mặc dù tỷ lệ thu giảm nhưng mà khoản để thu đã tăng lên rất nhanh. Nhờ vậy mà thâm hụt ngân sách đã được cải thiện đến 4 điểm % của năm 2022. Đây là một điểm cho thấy quan trọng để tiếp tục thực hiện các chính sách cắt giảm VAT xuống còn 8 % trong 6 tháng cuối năm”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.
Ngoài chính sách giảm thuế VAT, Chính phủ cũng thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023… Với một loạt các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa và tiền tệ, cầu nội địa sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Theo VOV