Những ngày qua, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến mới, tác động tới việc thực hiện "đa mục tiêu" vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, vừa chăm lo an sinh xã hội, đời sống nhân dân, vừa đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng…
Đơn cử, trên thế giới, giá dầu thô có xu hướng tăng cao, cùng với những diễn biến mới tại những "điểm nóng" trên bàn cờ địa chính trị. Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo với số ca mắc tăng cao ở nhiều địa phương. Ngay cả thời tiết cũng có diễn biến cực đoan với đợt rét đậm, rét hại được đánh giá là kỷ lục trong 40 năm qua.
Trong Công điện mới nhất ngày 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo khẩn về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, nội dung đầu tiên được Công điện nhấn mạnh là các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19.
Thực tế, ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh cần xác định năm 2022 và thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Ông còn nhiều lần lưu ý các bộ, ngành, địa phương, thực tiễn còn có thể phát sinh thêm nhiều diễn biến mới mà chúng ta chưa thể dự báo hết được.
Nghị quyết 01 năm 2022 của Chính phủ nhận định dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, có thể thấp hơn năm 2021; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.
Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề...
Thực tiễn đã chứng minh các nhận định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở và các diễn biến về cơ bản không nằm ngoài các dự báo này.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, càng khó khăn, thách thức, càng phải giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, bình tĩnh, kiên trì, sáng suốt lựa chọn con đường, giải pháp phù hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào điều này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự mạnh mẽ và tường minh của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các bạn bè, đối tác quốc tế.
Trước hết, dự báo được sát tình hình đã là một cơ sở để Chính phủ có thể bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả.
Thứ hai, thực tiễn những năm vừa qua và nhất là năm 2021 khó khăn, thách thức nhất kể từ sau đổi mới đã vừa chứng tỏ, vừa tôi luyện thêm bản lĩnh Việt Nam: Không bao giờ đầu hàng trước bất cứ khó khăn, thử thách nào, càng khó khăn, thách thức lại càng nỗ lực phấn đấu, vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút, tổng kết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã đánh giá: Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn của năm 2021, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị nói chung đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh COVID-19 tuy còn diễn biến phức tạp, nhưng đã khác rất nhiều và khác một cách căn bản so với những ngày cam go nhất của năm 2021. Khi đó, chúng ta hầu như chưa có vaccine, chưa có đủ thuốc chữa bệnh, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa hiểu hết về biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm, năng lực hệ thống y tế còn hết sức hạn chế.
Nay, Việt Nam đã là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, năng lực ứng phó dịch bệnh đã được cải thiện nhiều với nhiều bài học kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch hiệu quả được đúc rút. Nhờ đó, tuy số ca mắc tăng cao kỷ lục, nhưng tỷ lệ, số ca chuyển nặng, tử vong được kiểm soát và trên thực tế đang ở mức thấp hơn nhiều so với những ngày tháng cam go nhất năm 2021.
Một điều rất quan trọng khác là người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư không hoang mang, lo sợ trước dịch bệnh, niềm tin xã hội vào các giải pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ được củng cố. Kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc trên các lĩnh vực, chúng ta về cơ bản vẫn tiếp tục mở cửa trở lại các hoạt động như du lịch, hàng không, trường học… một cách an toàn, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình từng nơi. Nhiều chỉ số như nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số môi trường kinh doanh của Eurocham được công bố mới đây tiếp tục cho thấy xu hướng lạc quan, tích cực, các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh và với mức độ đáng kể nhất kể từ tháng 4/2021.
Không hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh cũng như mọi diễn biến của tình hình, tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn, kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của Chính phủ qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, chúng ta nhất định sẽ biến thách thức thành cơ hội, khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài, thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.
Theo báo Chính phủ