Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 15/11/2020. Nghị định cũng quy định tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm, như: bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; ép buộc, vận động người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi: bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại địa điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Hình phạt bổ sung đối với những vi phạm này là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến vi phạm trong thời hạn từ 1 - 3 tháng. Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi vi phạm. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.
Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới lấy chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”. Thông điệp này tiếp tục thông tin tới cộng đồng tác hại của việc sử dụng thuốc lá, kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe; xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.
Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, những năm gần đây, trên thị trường đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng (HTPs). Cả hai loại sản phẩm này đều có một số thành phần độc hại tương tự như thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá này còn mới đối với thị trường tiêu dùng, nhất là tại Việt Nam.
Theo Congthuong