Thứ Ba, 26/11/2024 04:49:14 GMT+7
Lượt xem: 1176

Tin đăng lúc 30-05-2019

Bangladesh – áp lực mới của thị trường gạo Việt Nam và thế giới khi giảm nhập khẩu 16 lần

Chính phủ Bangladesh mới đây đã quyết định nâng thuế nhập khẩu gạo từ 28% lên 55% giữa bối cảnh toàng ngành sản xuất và chế biến gạo nước này phản đối việc giá gạo trong nước giảm sâu gây tổn hại tới thu nhập của họ.
Bangladesh – áp lực mới của thị trường gạo Việt Nam và thế giới khi giảm nhập khẩu 16 lần

Được biết, hiện nước này đang dư thừa khoảng 2 đến 2,5 triệu tấn gạo. Động thái này khiến cho thị trường gạo xuất khẩu thế giới vốn đang trầm lắng lại thêm nguy cơ giảm giá.

 

Năm 2017, Bangladesh đã nổi lên thành nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới với trên 3 triệu tấn, đồng thời trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ sau khi lũ lụt liên tiếp phá hủy nhiều vụ lúa, dẫn tới giá gạo thế giới năm đó tăng lên mức cao kỷ lục.

 

Trái lại, năm nay, không chỉ giảm nhập khẩu về chỉ vài trăm nghìn tấn, Bangladesh còn có kế hoạch xuất khẩu lượng gạo dư thừa, lần xuất khẩu đầu tiên kể từ sau khi cấm bán gạo thường ra nước ngoài, tháng 5/2008 (khi giá trong nước tăng vọt). Cuối năm 2008, họ đã cấm xuất tất cả các loại gạo.

 

Việc Bangladesh kiềm chế nhập khẩu đang khiến cho Ấn Độ gần như không thể xuất khẩu gạo sang thị trường này, phải tìm tới những khách hàng khác thay thế, làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường gạo phẩm cấp trung bình và thấp.

 

Hiện giá gạo tại Bangladesh đã giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm do giá lúa giảm vì được mùa giữa bối cảnh lượng dự trữ của cả tư nhân và nhà nước đều còn nhiều.

 

Giá bán lẻ gạo lứt, loại gạo được tiêu thụ chủ yếu bởi những người dân có thu nhập thấp, ngày 21/5/2019 là 33 taka/kg, giảm 24% so với một năm trước đó, theo Cục marketing nông sản (DAM). Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016, khi giá bán lẻ trung bình của gạo cùng loại là 33,58 taka/kg (số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc).

 

Dữ liệu của FAO cũng cho thấy giá đã giảm dần sau khi lên mức đỉnh cao 47,78 taka hồi tháng 9/2017. Chỉ hơn một năm sau, tháng 11/2018, giá giảm còn chưa đầy 40 taka/kg.

 

Kể từ đó, giá liên tục giảm khi mùa màng thuận lợi, điều mang lại niềm vui cho người tiêu dùng nhưng lại khiến cho nông dân nước này chịu tổn thất lớn.

 

Theo USDA, sản lượng gạo Bangladesh niên vụ 2017/18 chỉ 32,65 triệu tấn, nhưng đã tăng lên 35 triệu tấn trong vụ tiếp theo. Còn theo số liệu tổng hợp của của Cục Khuyến nông Bangladesh (DAE) và các nhà xay xát và thương gia nước này, sản lượng vụ 2017/18 đạt 36,2 triệu tấn và sẽ tiếp tục lập kỷ lục cao mới trong niên vụ hiện tại.

 

Đó là chưa kể nước này còn có thêm lượng gạo mới nhập khẩu, và còn khá nhiều lúa gạo dự trữ. Theo ông Chitta Majumder, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Majumder (Majumder Group of Industries), lượng gạo dự trữ của Bangladesh rất lớn. Ông cho biết thêm rằng giá gạo và thóc có liên quan đến nhau, do đó khi giá lúa giảm thì giá gạo cũng giảm theo. Tùy thuộc vào chất lượng, giá thóc đã giảm khoảng 23% ở vụ Boro này so với cùng vụ năm ngoái, theo số liệu của DAM.

 

Các nhà sản xuất gạo lứt bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là gạo xát kỹ rồi đến gạo xát vừa, vì giá hiện rẻ hơn nhiều so với chi phí sản xuất lúa theo tính toán của Chính phủ (993 taka/maund tương đương 37,2 kg).

 

Kể từ ngày 15/5/2019, giá thóc sản xuất gạo lứt đã giảm xuống 540 taka/maund, từ mức 702 taka cùng kỳ năm trước.

 

Không chỉ nông dân thiệt hại mà các nhà xay xát cũng đang phản ứng mạnh với Chính phủ vì họ không thể chuyển chi phí của số gạo đã mua trước đây sang cho người tiêu dùng. Trên thị trường Bangladesh lúc này không có có người mua gạo, nên theo ông Chitta thì không còn cách nào khác ngoài việc xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Ông Nirod Boron Saha, chủ tịch một hiệp hội gồm các nhà bán buôn và các đại lý gạo có tên Naogaon Dhan O Chal Arathdar Babshayee Samity nhận định rằng giá sẽ không thể tăng sớm, trừ khi các nhà xay xát bán được số gạo mà họ đã tích trữ.

 

Chính phủ cũng không có khả năng thu mua nhiều gạo. Ông Arifur Rahman Apu, Cục trưởng Tổng cục Thực phẩm cho biết: "Chúng tôi sẽ chỉ mua 1,2 triệu tấn gạo và 1,3 triệu tấn ngũ cốc. Tổng công suất dự trữ của chúng tôi là 2,1 triệu tấn". Theo ông, Bộ Thương mại sẽ quyết định về việc xuất khẩu gạo.

 

Việc Bangladesh giảm mạnh nhập khẩu gạo và có thể còn xuất khẩu mặt hàng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những nước xuất khẩu gạo chủ chốt, trong đó có Việt Nam.

 

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh, ông Qamrul Islam, tới Việt Nam cuối 2018, Việt Nam và Bangladesh đã ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Bangladesh.

 

MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký, từ năm 2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.

 

Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn bấp bênh, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai. Do đó, mặc dù giảm nhập khẩu song đây vẫn sẽ là thị trường tiềm năng của gạo Việt Nam xuất khẩu trong những năm tới.

 

Theo cafef.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang