Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu, không khó để mua được những chiếc bánh giá rẻ, thậm chí là bán theo cân, thùng. Nhưng chất lượng của những chiếc bánh đó có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ?
Trên các trang thương mại điện tử, có rất nhiều loại bánh Trung thu được rao bán với đủ loại hương vị và hình thức bắt mắt. Đáng chú ý, các gian hàng quảng cáo là bánh Trung thu Đài Loan, hàng chính ngạch, nhưng khi nhận được hàng thì người mua thất vọng vì nó không giống như quảng cáo.
Vừa qua, Đội QLTT số 24, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, Đội QLTT số 24 đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh của Hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù, Huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 5.000 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Phan Thị Nhàn - Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định.
Theo ghi nhận ban đầu, số hàng hóa này bà Nhàn mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Hàng không có hóa đơn chứng từ buộc Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Phản hồi thất vọng của khách hàng khi mua bánh qua sàn thương mại điện tử
Mới đây, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Tây Ninh cũng phát hiện và tạm giữ gần 500 cái bánh Trung thu, bánh bông lan các loại không nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh là ông Phạm Văn Thanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc, các sản phẩm nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Do đó, với các sản phẩm không nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giá rẻ thì người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua.
Theo các chuyên gia, bánh Trung thu không rõ nguồn gốc có thể bị sử dụng màu công nghiệp, hoặc hóa chất khác không có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Ngoài ra, nếu nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nguy hiểm hơn nó còn tích tụ dần vào cơ thể, gây ảnh hưởng cho sức khỏe lâu dài, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Chính vì thế, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng, sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Như Trang