Hàng trăm nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc bị thu giữ
Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng TP. Hà Nội liên tiếp phát hiện và xử lý hàng trăm nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Điển hình là ngày 15/9, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát địa bàn, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Đống Đa phối hợp Đội quản lý thị trường số 4, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 2.400 chiếc bánh Trung thu trứng chảy do nước ngoài sản xuất được tập kết về địa bàn để chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Đây là loại bánh khá được ưa chuộng trên thị trường. Chủ lô hàng khai nhận thu mua trôi nổi số bánh này trên thị trường với giá chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/chiếc, sau đó, cơ sở này sẽ đăng bán lại qua mạng xã hội kiếm lời.
Hay vào ngày 10/9, tại cơ sở kinh doanh bánh Trung thu tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại đây có 11.130 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, số bánh này được thu mua trôi nổi trên thị trường với giá giao động từ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/chiếc, sau đó sẽ đóng hộp bán cho người tiêu dùng với giá gấp 4-5 lần để kiếm lời.
Trước đó, ngày 20/8, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thuộc địa bàn xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) đã phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông và Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một xe tải “luồng xanh”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có hơn 200.000 bánh Trung thu, nhãn hiệu “Con Gấu”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong quá trình làm việc, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc của số bánh trên…
Thủ đoạn nhập lậu tinh vi
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mặc dù thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, tuy nhiên, do sắp đến Tết Trung thu, nhu cầu thị trường tăng cao nên các đối tượng đã sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để nhập lập lượng lớn bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Một trong những thủ đoạn đó là lợi dụng phương tiện vận tải đang được ưu tiên là xe “luồng xanh” để vận chuyển hàng lậu, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi.
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất (nhập nguyên liệu nhưng thực chất là nhập thành phẩm để tái xuất) để gian lận; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; cấu kết, móc nối với nhau trong nước và nước ngoài để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử để không khai, khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng… để vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…
Siết chặt kiểm soát thị trường
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quầy hàng bán bánh lưu động trên đường phố tại Hà Nội đã vắng bóng. Việc mua bán trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng cũng không còn sôi động như các năm trước. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử, mạng xã hội...
Bánh Trung thu được người bán khai nhập khẩu với giá chỉ vài nghìn đồng
Do vậy, để tăng cường công tác quản lý thị trường, chú trọng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2021, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu, Đội trưởng các Đội QLTT chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...). chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Quá trình rà soát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các đội tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Quá trình thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế, UBND Thành phố và địa phương quy định.
Những lưu ý đối với người tiêu dùng khi chọn mua bánh Trung thu
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, gồm: Tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm cần bảo đảm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, nguồn gốc sản phẩm, giấy phép của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng như đánh giá của người tiêu dùng trước đó. “Tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online, chứ không có cửa hàng cụ thể”.
Vũ Anh