Mặc dù còn 1 tháng nữa mới tới Tết Trung thu, nhưng trên các chợ online, các trang mạng xã hội, thương hiệu bánh trung thu cổ truyền đang “làm mưa làm gió” trên các chợ online không phải là các công ty lớn, cũng không phải các thương hiệu gia truyền nổi tiếng của Hà Nội như Bảo Phương, Ninh Hương… như mọi năm mà là các thương hiệu bánh nổi tiếng ở các tỉnh lân cận như: Đông Phương (Hải Phòng), Tạ Quyết (Phú Thọ), Minh Trang, Quang Hưng (Nam Định), Nam Hương, Thuận Nhàn (Thanh Hóa), Bình Chung (Xuân Đỉnh)...
Đặc điểm chung của các thương hiệu bánh này là đều có tuổi đời từ 30 năm đến gần 100 năm, đã khẳng định được thương hiệu tại các địa phương.
Chị Lưu Ngọc Anh (quê ở Hải Phòng, hiện sống ở Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ năm ngoái, có nhiều bạn bè, đồng nghiệp hỏi về bánh trung thu Đông Phương - nổi tiếng xứ Cảng, nên năm nay, chị quyết định bán để phục vụ bạn bè, người quen và tranh thủ kiếm thêm thu nhập.
“Mình bắt đầu bán bánh trung thu từ đầu tháng 7 (âm lịch). Thường mọi người đặt thì mình gom rồi chuyển từ Hải Phòng lên để bánh đảm bảo tươi ngon, giao tận tay khách hàng. Từ đầu mùa đến giờ mình cũng bán được cả trăm hộp bánh rồi”, chị Ngọc Anh cho hay.
Theo chị Ngọc Anh, đây là loại bánh không sử dụng chất bảo quản. Khác với các loại bánh sản xuất công nghiệp, có chất bảo quản nên để được 1,5 - 2 tháng, bánh Đông Phương có hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 10 ngày (đối với bánh dẻo) và 20 ngày (đối với bánh nướng).
Cũng yêu thích sản phẩm bánh trung thu quê, chị Đặng Thị Trầm (quê ở Nam Định, hiện đang sống ở Lĩnh Nam, Hà Nội) chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ gần Tết Trung thu chị lại về quê mua vài hộp bánh trung thu Minh Trang (Nam Định) để ăn và làm quà. Nhiều đồng nghiệp được chị tặng bánh trung thu ăn thử thấy thích vì nhân bánh hoàn toàn được làm thủ công theo kiểu truyền thống, không quá nhiều mỡ và lạp xưởng, độ ngọt cũng vừa phải, bánh tươi ngon hơn.
“Mình quê ở Nam Định, trung thu năm nào mình cũng về quê mua bánh gia truyền của cửa hàng trên. Mình mời bạn bè, ai cũng rất thích và nhờ mua. Rồi người này giới thiệu cho người kia, dần dần hàng xóm, bạn bè gần xa biết đến, nên mình mới quyết định mở bán online giới thiệu đặc sản Nam Định tới người dân thủ đô”, chị Trầm chia sẻ.
Chị Trầm cũng cho hay, thời điểm này chị nhận được rất nhiều đơn hàng đặt bánh, chủ yếu mua cúng rằm tháng 7, làm quà biếu tặng. Bánh tươi không chất bảo quản, hàng gửi xe ô tô lên Hà Nội ngày nào hết ngày ấy.
Ngoài tiêu chí chất lượng ngon, không chất bảo quản, một trong những lý do bánh trung thu “tỉnh lẻ” hút khách hàng là giá cả phải chăng. Hầu hết bánh trung thu truyền thống được thiết kế hộp đựng đơn giản, mộc mạc nên giá bánh “mềm” hơn so với giá bánh ở thủ đô, từ 40.000 - 60.000 đồng/chiếc (loại 150 gr); 80.000 đồng/chiếc (loại 250 gr).
Chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên văn phòng chia sẻ: “Tôi chỉ thích ăn bánh truyền thống, năm ngoái được người bạn ở Hải Phòng tặng cho hộp bánh trung thu Đông Phương thì thấy bánh làm hoàn toàn theo kiểu truyền thống nhưng có hương vị đặc trưng, nhân bánh không quá nhiều mỡ, lạp xưởng, bánh lại tươi ngon, tôi rất thích. Nên mùa Trung thu năm nay, tôi phải tìm mua bánh này bằng được để nhà ăn và mang biếu nội ngoại 2 bên”.
Trung thu năm nay, một số bánh trung thu từ Thanh Hóa như Nam Hương, Thuận Nhàn, Hà Trung... cũng “đổ bộ” ra Thủ đô. Điểm chung bánh trung thu “tỉnh lẻ” đều là bánh làm theo phương pháp truyền thống. Không chỉ có giá rẻ hơn bánh của các hãng như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hải Hà... mỗi chiếc bánh trung thu truyền thống lại có hương vị riêng đặc trưng gắn với tuổi thơ của nhiều người đang sống, làm việc tại Hà Nội nên được nhiều thực khách săn lùng, tìm mua./.
Theo Vov