Những quy định về ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố
Theo Cục ATTP, kinh doanh thức ăn đường phố là lĩnh vực chứa đựng nhiều nguy cơ cần quản lý chặt chẽ nhưng phải theo từng bước, từng giai đoạn. Nguyên tắc bảo đảm ATTP đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố nói riêng đã được quy định trong Luật ATTP.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố phải tuân theo các nguyên tắc quản lý ATTP, như: Bảo đảm ATTP là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh; Quản lý ATTP phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng; Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; Quản lý ATTP phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành; Quản lý ATTP phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, điều kiện bảo đảm ATTP đối với nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh ATTP, mỹ quan đường phố.
Giải pháp bảo đảm ATTP thức ăn đường phố
Mặc dù đã có những quy định cụ thể, nhưng loại hình kinh doanh thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua, trên địa bàn nhiều tỉnh đã xảy ra tình trạng ngộ độ thực phẩm thức ăn đường phố như: Vụ hơn 500 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ ở tiệm bánh mỳ Cô Băng ở Đồng Nai hồi tháng 5/2024; Vụ hơn 300 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ ở quán bánh mỳ Phượng tỉnh Quảng Nam,…
Theo thống kê của các cơ quan quản lý, các cơ sở vẫn tồn tại một số vi phạm như: Nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo quản chưa đúng quy định, không được che đậy kỹ lưỡng, khu vực bếp có côn trùng, ghi nhãn sản phẩm không đúng, sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh, tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP…
Thức ăn đường phố đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng, tạo cơ hội cho nhiều người có công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; Tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ (những người di cư từ nông thôn ra thành thị). Tuy nhiên, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh thức ăn đường phố và người tiêu dùng để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố gây ra
Thực tế cho thấy, việc quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh các cơ sở có địa chỉ cố định, còn rất nhiều người kinh doanh không cố định, nhỏ lẻ, di động. Ví như, Hà Nội có khoảng trên 10.000 cơ sở thức ăn đường phố, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 15.000 cơ sở,…
Theo các chuyên gia, thức ăn đường phố là đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Để làm tốt công tác ATTP lĩnh vực thức ăn đường phố cần phải có sự quan tâm phối hợp từ 03 bên: Người quản lý, người kinh doanh và người tiêu dùng. Trong đó, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai những cơ sở vi phạm để người tiêu dùng nắm bắt.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn cho cộng tác viên, cán bộ chuyên trách ATTP tuyến xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; Hướng dẫn ghi chép sổ sách về việc mua bán thực phẩm nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc của thực phẩm; Tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP trong chế biến thực phẩm,..; phát huy mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP,…
Người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn, cũng như cẩn trọng khi mua và sử dụng thức ăn đường phố, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Đức Trí