Tính đến ngày 2/12/2016, đã có 22 nhà máy đường thành viên Hiệp hội Mía đường Việt Nam chính thức vào vụ sản xuất, đã ép được 698.810 tấn mía, sản xuất 129.342 tấn đường. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy thuộc hiệp hội là 169.965 tấn, tại các công ty thương mại 3.454 tấn.
Diễn biến giá đường trong nước tháng 11/2016 có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, giá bán buôn đường kính trắng (có VAT) ở khu vực Hà Nội dao động từ 17.000 - 17.300 đồng/kg, đường tinh luyện từ 17.200 - 17.700 đồng/kg, đến đầu tháng 12 giảm nhẹ còn 16.900 - 17.000 đồng/kg (đường kính trắng) và 16.800 -17.400 đồng/kg (đường tinh luyện); ở TP. Hồ Chí Minh, giá bán đường kính trắng dao động từ 16.900 - 17.200 đồng/kg, đường tinh luyện từ 17.500 - 17.800 đồng/kg, đến đầu tháng 12 giá bán là 16.600 - 16.900 đồng/kg đối với đường kính trắng, 17.000 - 17.800 đồng/kg với đường tinh luyện.
Sản lượng đường các nhà máy sản xuất trong tháng 12 ước tính sẽ đạt khoảng 250.000 tấn. Sang tháng 1/2017, hầu hết các nhà máy đường đã chính thức vào vụ sản xuất đại trà, ước tính sản lượng đường sẽ đạt khoảng 300.000 tấn. Đối chiếu với nhu cầu đường hiện nay trên thị trường cả nước, bình quân dao động từ 130.000 - 140.000 tấn/tháng. Đại diện hiệp hội khẳng định, nguồn cung đường sản xuất trong nước khá lớn so với nhu cầu, bảo đảm dư thừa phục vụ tiêu thụ trong dịp tết.
Nhận định về thị trường đường từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho rằng, giá đường có thể sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng ổn định, không có biến động khan hiếm, hoặc tăng giá. Bên cạnh đó, các công ty mía đường sẽ đẩy mạnh bán sản phẩm để thanh toán tiền nguyên liệu mía cho nông dân, thì lại có xu hướng kéo giá đường giảm xuống.
Nguồn Báo Công Thương