Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cuối quý II, đầu quý III/2020, nguồn cung thịt lợn có thể đáp ứng được trên 90% nhu cầu. Nhưng thực tế đến nay, giá lợn vẫn cao chót vót mà nguồn cung thì vẫn khan hiếm. Các thương lái khẳng định, giá lợn hiện vẫn rất cao và cũng rất khó mua, còn người tiêu dùng cả nước thì vẫn chưa biết đến khi nào giá thịt lợn mới “hạ nhiệt”.
Khâu trung gian hưởng lợi nhiều nhất
Có thể thấy, việc mất cân đối cung cầu do dịch tả lợn châu Phi gây ra là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn bị đẩy lên cao. Trong 3 năm qua, lúc thì bão giá, lúc giá lợn lại rẻ như rau, sau đó dịch tả lợn lại hoành hành khiến người nuôi lợn thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần, có đến 80% người dân bỏ chăn nuôi, một số thì chỉ tái đàn cầm chừng bởi giá lợn giống quá cao và e ngại thịt lợn sẽ mất giá... Do đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt lợn nái và thiếu lợn giống cho sản xuất.
Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Minh Phú, một nguyên nhân lớn nữa khiến giá lợn khó có thể giảm được, đó là phải qua quá nhiều khâu trung gian và phải chịu nhiều loại phí. Hiện nay, hệ thống phân phối, trong đó khâu bán lẻ hưởng đến trên 30% lợi nhuận, cả thương lái và lò giết mổ, mỗi khâu hưởng từ 10-15% lợi nhuận. Như vậy, tổng chi phí cho khâu trung gian đã lên 40-50%. Ngoài ra, theo phản ánh, ở một số siêu thị thông báo bán thịt lợn không lợi nhuận, tuy nhiên, thực tế giá lại cao hơn ngoài chợ đến 40%,… tất cả những yếu tố trên đã làm cho giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao chưa từng thấy. Qua đó cũng thấy rằng, một số doanh nghiệp chăn nuôi chưa thưa thực sự đồng hành với Chính phủ và các Bộ ngành để giải quyết vấn đề này.
Bình ổn giá thịt lợn – vấn đề cấp bách
Trước thực trạng giá lợn ngày càng leo thang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra như thúc đẩy chăn nuôi, nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài, gần đây nhất là nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về nhằm tăng nguồn cung, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc nhập khẩu lợn chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn phải phát triển đàn lợn trong nước.
Thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, nước ta đã nhập khẩu được 70 nghìn tấn thịt lợn trong số 100 nghìn tấn mà Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2020. Hiện nay, đàn lợn giống gốc trong nước giữ được là 120 nghìn con lợn cụ kỵ, ông bà và đàn lợn nái là 2,8 triệu con. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và khuyến khích các DN tiếp tục nhập khẩu lợn cụ kỵ và lợn bố mẹ để tái đàn. Tính đến hết tháng 5/2020, các DN đã nhập được 5.016 con lợn cụ kỵ, ông bà và khoảng 3.000 con lợn bố mẹ để sản xuất ngay con thương phẩm phục vụ thị trường. Đây là cơ sở để đáp ứng 11 triệu con lợn giống vào quý IV năm nay.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc tái đàn, tăng đàn lợn trên cả nước đang tiến triển tốt, dự báo vào cuối năm năm tổng đàn lợn cả nước sẽ đạt mức tương đương như trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, hầu hết các đàn lợn giống đều nằm trong các DN và trang trại chăn nuôi lớn, vì vậy, các đơn vị này cần đẩy mạnh cung ứng cho các nông hộ nhỏ. Việc quan trọng vẫn phải là đảm bảo các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Chuyên gia kinh tế Vũ Minh Phú thì cho rằng, thịt lợn là mặt hàng quan trọng trong đời sống của người dân. Vì vậy, nên đưa thịt lợn vào nhóm hàng bình ổn giá để có thể áp dụng các biện pháp mạnh tay khi cần thiết, hoặc có thể áp dụng bình ổn giá thịt lợn trong giai đoạn thị trường đang nóng, còn khi đã bình thường thì có thể bỏ áp dụng biện pháp này.
Một số trang trại chăn nuôi chi tái đàn cầm chừng bởi giá lợn giống quá cao và e ngại thịt lợn mất giá
Làm thế nào để bình ổn thị trường, giảm nguy cơ sau thừa lại thiếu?
Có thể thấy, thời gian qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam nói chung vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, việc sản xuất không theo chuỗi ngành hàng, dẫn đến việc luôn bị động giữa cung và cầu. Do đó, để bình ổn được thị trường và giảm thiểu nguy cơ sau thiếu lại thừa thì định hướng đầu tiên đó là cần phải hướng đến quản lý và sản xuất theo chuỗi. Việc quản lý theo chuỗi không chỉ trong sản xuất mà cả trong khâu phân phối để có thể quản lý được chất lượng, giá cả, phân phối lợi nhuận hợp lý, công khai minh bạch. Còn việc sản xuất theo chuỗi vừa có thể giúp truy xuất được nguồn gốc, vừa có mã định danh cho sản phẩm và điều quan trọng là giảm thiểu được khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động liên kết với nhau, đặc biệt là trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn. Song song với đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng… để người chăn nuôi có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, duy trì, phát triển sản xuất. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần thiết lập hệ thống chợ đầu mối, trong đó có sàn giao dịch nông sản để việc giao dịch được minh bạch, công khai và không bị ép giá. Có như vậy thì không chỉ thịt lợn mà các loại thực phẩm khác khi đến tay người tiêu dùng mới có giá thành hợp lý.
Bao giờ thịt lợn giảm giá? Thời gian tới, thịt lợn có đạt mức kỷ lục mới hay không thì vẫn là câu hỏi khó trả lời. Hy vọng, với sự điều tiết của Nhà nước trong khâu sản xuất và lưu thông, cùng sự chung tay của DN chăn nuôi, thị trường thịt lợn sẽ sớm được bình ổn trở lại./.
Quốc Dân