Hút chân không là hình thức hút không khí ra khỏi môi trường như: Chai, lọ, túi nilon,… Chỉ với vài trăm nghìn, người tiêu dùng có thể mua được một chiếc máy hút chân không để sử dụng tại nhà. Các bà nội trợ nghĩ rằng, không có khí thì vi khuẩn không xâm nhập được, nhưng bản thân thực phẩm cũng chứa nhiều không khí bên trong nó. Ngoài ra, còn có một số loại vi khuẩn yếm khí có sẵn trong thực phẩm, không cần có không khí chúng vẫn có thể sinh sống được. Do vậy, phương pháp hút chân không cũng không thể ngăn cản quá trình hư hỏng của thực phẩm mà nó chỉ hạn chế được phần nào đó.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong: Từ năm 2010 đến năm 2021, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên toàn quốc đã xảy ra 1.594 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số mắc là 45.938 người, trong đó có 267 người tử vong. Chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm, 640 người mắc, nhưng không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học (chiếm 47,1%). Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật (chiếm trên 40%).
Việc chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách đang là mối nguy rất lớn, gây nhiễm độc tố chết người botulinum.
Trước đây, các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm “hút chân không”, đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum. Hậu quả của ngộ độc botulinum thường rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Vì thế chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài vì những thực phẩm được đóng gói kín không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng sẽ có nguy cơ sinh ra vi khuẩn yếm khí botulinum nguy hiểm.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cũng khuyến cáo người dân, khi sử dụng đồ hộp, nếu thấy sản phẩm bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố.
Để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm; xuất xứ hàng hoá, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.
Sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng,... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
Như Trang