Thứ Sáu, 22/11/2024 05:30:47 GMT+7
Lượt xem: 5361

Tin đăng lúc 01-06-2015

Bảo tồn và phát triển văn hóa Luy Lâu

Luy Lâu là vùng đất hội tụ, kết tinh văn hóa Việt cổ xưa để định hình nên giá trị văn hóa mới, bền vững, truyền lại mãi cho con cháu mai sau: Văn hóa Việt truyền thống với những thiết chế văn hóa làng, đình chùa miếu mạo và lễ hội. Do đó, vùng văn hóa Luy Lâu là tiêu biểu của văn hóa Việt truyền thống, là mẫu mực của các lễ hội thể hiện qua thực tế lễ hội Tứ Pháp đặc sắc.
Bảo tồn và phát triển văn hóa Luy Lâu
Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh

Sách Đại Việt sử kí toàn thư do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn thời Lê Thánh Tông có lời đánh giá: Nước ta thông thi thư, tập lễ nhạc bắt đầu từ Sĩ Vương (người đặt ra nền móng Nho học, Phật giáo ở nước ta). Tự hào với truyền thống văn hóa quê hương, từ nhiều năm nay, các tác giả vùng Luy Lâu đã có tâm huyết viết sách, báo, quảng bá rộng rãi hơn nữa, tiêu biểu là họa sĩ Phan Cẩm Thượng có các sách “Chùa Dâu”, “Chùa Bút Tháp”; tiến sĩ Trần Đình Luyện có sách “Luy Lâu từ truyền thuyết đến văn hóa”; Nguyễn Hữu có sách “Dấu thiêng Luy Lâu” và tiểu thuyết “Cõi thực” - giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp VHNT Việt Nam lấy tư liệu từ làng Dâu quê ông; Phạm Thuận Thành có nhiều bài báo về văn hóa Luy Lâu và cùng Nguyễn Duy Hợp biên soạn cuốn “Đất và người Siêu Loại”… Nhóm tác giả Luy Lâu hình thành tự nguyện để tiến hành việc in ấn các tác phẩm về văn hóa Luy Lâu một cách tập trung hơn và đã làm được các cuốn: “Hương Thủy tự”, “Cổ Châu tự thi phẩm”, “Luy Lâu văn tuyển”. Trên cơ sở này mà nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam đã làm bộ phim tư liệu “Dấu thiêng Luy Lâu” và được phát nhiều lần trên sóng VTV và VTC. Ngoài ra, các tác giả trong nhóm còn nỗ lực in ấn các tác phẩm riêng lẻ như “Thư Đôi đất mẹ” của Trần Công Sản và Duy Đắc; “Lòng mẹ” do Nguyễn Hữu chủ biên; “Huyền tích chùa Bút Tháp” của Hoàng Giá, Phan Cẩm Thượng và Phạm Thuận Thành; “Thông điệp từ quá khứ”, “Danh nhân Nguyễn Gia Thiều”, “Phong thổ Mão Điền” và “Hồ sơ người tù Yên Kinh” của Nguyễn Duy Hợp; “Hoàng phi Nguyễn Thị Kim” của Nguyễn Duy Hợp và Phạm Thuận Thành; “Sương khói Dâm Đàm” và “Bến Phật” của Hoàng Giá… Từ việc quảng bá văn hóa Luy Lâu, nhóm tác giả còn mong muốn đi xa hơn nhằm đóng góp sức lực vào việc phát triển văn hóa, văn học Việt Nam nên đã quyết định chính thức ra mắt vào cuối tháng 4/2014, đồng thời công bố cuộc thi thơ mang tên “Thơ Luy Lâu 2014-2015” bắt đầu nhận bài từ 30/4/2014 và kết thúc vào ngày 1/5/2015, trao giải vào dịp 19/5/2015.

 

Phạm Thuận Thành

 

 

Nhân dịp này, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng trân trọng giới thiệu chùm thơ của các tác giả đoạt giải cao trong cuộc thi: “Thơ Luy Lâu 2014 – 2015”.

  

CHÙM THƠ ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “THƠ LUY LÂU 2014-2015”

 

VÔ ĐỀ

Giải Nhì của Minh Hằng (Thái Nguyên)

 

Một ngày buồn

Đem kỉ niệm cất vào ngăn tủ

Từng chồng giấy nằm im

Quá khứ giờ đã ngủ

 

Tôi nâng kỉ niệm trên tay

Mong manh và nặng trĩu

Tình đây mà người xa

Chỉ kẻ mộng mơ là tôi gìn giữ

 

Thời đại intenet và thư điện tử

Ngăn quá khứ rỗng không

Còn mất chỉ cần nút xóa

Người hay buồn chắc cũng ít hơn

 

Ngày mai

Bao tươi mới đang chờ phía trước

Xếp lại những mảnh giấy úa vàng

Tôi cẩn thận khóa ngăn kí ức.

 

 

DẤU XƯA LUY LÂU

Giải Nhì của Đỗ Thu Huệ (Bến Tre)

 

Đi trên thành cổ Luy Lâu

Chạm vào mảnh vỡ của mầu thời gian

Từ trong phế tích hoang tàn

Tiếng ngựa hí tiếng voi dàn thế công

 

Tiếng quân reo tiếng trống đồng

Tiếng bờ cõi tiếng non sông vọng về

Sông Dâu trăm chiếc thuyền kề

Câu ca chảy dọc miền quê đất lành

 

Ngựa voi đã hóa đá xanh

Quỳ bên lăng miếu vá lành vết đau

Đi trên thành cổ Luy Lâu

Chẳng quan thái thú chẳng mầu quyền uy

 

Chuông ngân thủng thỉnh từ bi

Gõ vào nhân thế thầm thì câu kinh

Vịn vào huyền sử quê mình

Nhuộm xanh cổ tích dáng hình Văn Lang.

 

 

TIẾNG MÕ RAO

Giải Ba của Nguyễn Xuân Tường (Bắc Ninh)

 

Làng mở hội tưng bừng xóm ngõ

Rộn sân đình người xa xứ thăm quê

Sao cháu con nhà sãi mõ không về

Không lời thỉnh hay người đi không trở lại?

 

Lũy tre xanh ngàn năm còn vẫy gọi

Ôm nỗi niềm riêng đời sãi mõ tha phương

Tộc phả ghi dòng đói khổ bỏ quê hương

Trần thế ai người quên quê cha đất tổ

 

Nấc thang cuối cùng bao lâu còn khốn khổ

Kế sinh nhai này cay đắng phận cùng đinh

Tiếng mõ rao đeo đuổi đến cạn tình

Tiếng mõ rao luẩn quẩn bờ tre xanh...

 

Lễ hội của làng ta qua rồi thời rao mõ

Lũy tre xanh chôn tuổi xanh ai ở đó

Đêm trường phong kiến ám trời Nam.

                                                                                   

 

 MIỀN CỔ TÍCH

Giải Ba của Cáp Thu Hạnh (Hà Nội)

 

Có dòng sông tìm đất này để chảy

Biết thương người từ thưở hồng hoang

Sông Đuống, sông Dâu vòng tay như thể

Gọi người theo lập ấp dựng làng

 

Miền đất ấy thành kinh đô Giao Chỉ

Hướng muôn dân trăm họ yên lòng

Miền đất ấy, Người về gieo chữ

Gieo niềm tin Phật đến tọa thiền

 

Rồi một bận, Vua tìm về chọn vợ

Để đất trời ai nhuộm nên xanh

Tên quê mình hóa thành Siêu Loại

Cổ tích nằm mơ dáng Thuận Thành.


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang