Mua phải thực phẩm chế biến và nước giải khát có vấn đề, người tiêu dùng Việt thường chuyển sang sử dụng sản phẩm khác mà không đòi quyền lợi. Đây là một trong những thực trạng được nêu ra tại buổi tọa đàm tham vấn kết quả nghiên cứu dự án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm chế biến do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (SISS), dưới sự tài trợ của Quỹ Châu Á, tổ chức ngày 19-8 tại TP HCM.
Vế kết quả khảo sát, ông Lê Thanh Sang - Viện trưởng SISS, Trưởng dự án - công bố 2 yếu tố quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi mua thực phẩm chế biến là thương hiệu (gần 81%); nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng, có tới 76% người tiêu dùng chọn phương án “chuyển sang sử dụng loại sản phẩm khác”. Đây là phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng khiến nhà sản xuất phải đối mặt làn sóng tẩy chay ngầm mà không hiểu nguyên nhân để cải thiện tình hình.
Ông Cao Xuân Quảng - Trưởng Phòng bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - cho biết theo một nghiên cứu trong giai đoạn 2011-2015, nhóm thực phẩm, nước giải khát chiếm tới gần 20% trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng phản ánh đã bị xâm phạm quyền lợi.
Với câu hỏi: “Trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ và xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh thì thường chọn phương án nào?”, có tới 44% số người được hỏi (đã bị xâm phạm quyền lợi) chọn phương án “Im lặng và bỏ qua vụ việc”. Những người được tham gia khảo sát đã nêu hàng loạt lý do cho sự lựa chọn này như giá trị tranh chấp nhỏ (38,56%); thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp (22,05%); đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết (15,2%)…
Ông Lê Thanh Sang cho rằng pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế mà theo ví von của ông thì “luật đi bằng xe hơi, trong khi thực tế đi bằng xe đạp”. Trong khi đó, bộ máy quản lý vấn đề này lại quá ít, như TP HCM chỉ có một cán bộ thuộc Sở Công Thương kiêm nhiệm công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Về phía tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, thành viên dự án, nhìn nhận các hội chỉ có chức năng tư vấn, kết nối hòa giải giữa người tiêu dùng và DN. Các thành viên của hội hoạt động mang tính thiện nguyện là chính do thiếu kinh phí nhưng xin tài trợ từ DN lại lo mất tính khách quan.
Ông Cao Xuân Quảng xác nhận hiện có nhiều hội bảo vệ người tiêu dùng địa phương hoạt động theo kiểu ba không (không trụ sở, không nhân lực, không kinh phí) nên không phát huy tác dụng. Do vậy, 5 năm qua, từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, chỉ ghi nhận một trường hợp tòa án bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng là vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ở Bến Tre.
Bà Trần Thị Sinh, Ủy viên Ban Thường trực Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, cho biết để vụ kiện thành công, hội phải theo đuổi đến 2 năm 8 tháng đòi khoản bồi thường chỉ hơn 36 triệu đồng từ chủ tiệm bánh mì cho 19 nạn nhân bị ngộ độc. “Vụ việc chưa có tiền lệ nên chúng tôi phải mò mẫm và gần như cửa nào cũng gõ mới đòi được công lý” - bà Sinh nói.
Nguồn: Người lao động