Những vấn đề mới phát sinh
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, để tránh bị kiểm soát, người bán đăng các sản phẩm với tên N.I.K.E hoặc Ni_KE thay vì để NIKE... Khi bán hàng lên mạng, người bán sử dụng hình ảnh thật, nhưng khi sản phẩm khách hàng nhận được lại là hàng giả, hàng nhái.
Đối với người tiêu dùng, nhiều người mua phải hàng giả, hàng nhái nhưng vì tâm lý e ngại đã không lên tiếng, không phản ánh đến cơ quan chức năng.
Tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch triển khai Chương trình “Tháng hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2019” với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục đã kiểm tra, xử lý 151 vụ, phạt hành chính hơn 2,15 tỷ đồng.
Trước những vấn đề nảy sinh từ thương mại điện tử, việc nghiêm túc thực hiện, triển khai, phối hợp có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng… đang được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, chủ đề được Bộ Công Thương lựa chọn là “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”. Theo đó, Bộ sẽ tập trung tuyên truyền 10 nội dung gồm: Hãy là người tiêu dùng thông thái trong thương mại điện tử; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là trách nhiệm của doanh nghiệp; lộ thông tin cá nhân có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng về sức khỏe, tài sản, tính mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội; kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; người tiêu dùng có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; 1800-6838 - tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các cục, vụ chức năng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt trong quá trình thực hiện các ngày mua sắm trực tuyến, mùa mua sắm trực tuyến do cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp tổ chức.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2019 (tháng 11) và được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5/2020. |
Nguồn Congthuong