Thứ Năm, 21/11/2024 23:49:47 GMT+7
Lượt xem: 5916

Tin đăng lúc 17-05-2017

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Hiện nay, nước ta đang mở cửa, hội nhập sâu rộng rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, đó là một trong những cơ hội để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường. Bất cứ mặt hàng, sản phẩm nào cũng có thể bị làm giả, hệ lụy theo đó là những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng (NTD).
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần sự chung tay của toàn xã hội
Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát động Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2017

Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của NTD, đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt, việc chống hàng giả, hàng nhái rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự ý thức trong tiêu dùng của người dân và sự vào cuộc ráo riết, mạnh tay hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng.

           

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Sau hơn 5 năm thực thi, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng câu chuyện bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn nhiều khó khăn, trắc trở. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, năm 2016 đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý gần 1.200 vụ việc phản ánh và giải quyết khiếu nại liên quan đến các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như điện thoại, viễn thông và nhóm đồ điện tử gia dụng. Trong số này có tới 23,38% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng của sản phẩm, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đến là phản ánh về chế độ bảo hành với tỷ lệ 22,96%; cung cấp thông tin với tỷ lệ 16,93; khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8,63%) và các hành vi khác là 28,41%. Đáng chú ý, Hà Nội là thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi NTD. 

 

           

 

Tư vấn cho người tiêu dùng tại siêu thị Big C Thăng Long

 

Có thể nói, thói quen dễ dãi trong tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quyền lợi của NTD bị xâm phạm. Thói quen xem hàng, thanh toán tiền rồi nhận hàng mà ít quan tâm đến việc lấy hóa đơn hay viết giấy bảo hành nên khi gặp phải những vấn đề sản phẩm không đảm bảo chất lượng hay hàng hóa bị trục trặc thì rất khó để bảo vệ. Cùng với đó là còn một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của NTD. Vẫn còn những doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm sau bán hàng, nhất là trong việc thực hiện cam kết bảo hành, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

           

Nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước, từ năm 2015, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành trong nước phát động triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng. Điển hình là Thành phố Hà Nội, “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2017 được xây dựng với thông điệp “Hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng” gồm 6 hoạt động, sự kiện chính: Hội nghị triển khai Kế hoạch; Lễ hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2017 (ngày 17/3/2017); “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng” từ 17/3 đến 24/3/2017; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các tháng 4, 5 và 6/2017; giải đáp thông tin về Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua Tổng đài 04.1081 trong cả năm 2017. Thông qua hoạt động tư vấn miễn phí, chương trình đã giúp NTD hiểu rõ hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình... Hay tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã cùng ký cam kết tham gia “Chương trình Doanh nghiệp hành động vì Người tiêu dùng 2017” với cam kết thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới như: Xây dựng tổng đài tiếp nhận phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng, thực hiện các chương trình, tháng hành động tri ân người tiêu dùng, tổ chức tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng… Qua đó thấy rằng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

 

           

 

UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 2017

 

Trao đổi với phóng viên, anh Bạch Đăng Hưng (phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) cho biết:“Mặc dù là người thường xuyên mua sắm hàng hóa nhưng tôi không hiểu nhiều về quyền và trách nhiệm mà mình được hưởng. Thông qua chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” tôi đã được tư vấn rõ về nội dung này. Đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi NTD với 8 quyền năng cơ bản. Sau khi được tư vấn, tôi đã chủ động trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình khi mua sắm hàng hóa. Tôi nghĩ việc tuyên truyền về quyền của người tiêu dùng thông qua các kênh thông tin như báo chí, truyền hình… nên được tăng cường hơn nữa để người tiêu dùng chúng tôi hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình”.

           

Có thể thấy, việc trang bị kiến thức để NTD nắm được các quyền lợi của mình là rất quan trọng, đặc biệt là trong việc tạo thuận lợi cho các cơ quan pháp luật khi giải quyết các vướng mắc, qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho NTD. Tin tưởng rằng, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ dần được đẩy lùi, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh chân chính. Đồng thời, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng trong nền kinh tế.

 

 Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang