Chủ Nhật, 24/11/2024 10:42:45 GMT+7
Lượt xem: 1041

Tin đăng lúc 26-02-2021

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Hơn 14.000 phản ánh của người tiêu dùng (NTD) đến Bộ Công Thương trong năm 2020 phần nào cho thấy, quyền lợi của NTD vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Đáng chú ý, vi phạm diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, nhất là lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Bảo vệ NTD cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp

Xâm phạm trên phạm vi rộng

 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Năm 2020, Cục CT & BVNTD đã tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ NTD. Trong đó, chủ yếu tăng mạnh thông qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ NTD 1800.6838. Nếu như năm 2011, Tổng đài này chỉ nhận được 26 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại, năm 2019 có 9.295 cuộc gọi, thì đến năm 2020 tăng lên tới 11.211 cuộc gọi.

 

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình Cục CT&BVNTD đã tiến hành giải quyết hầu hết các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của NTD, cơ bản giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải. Cụ thể, số cuộc gọi được tổng đài viên trả lời, tư vấn là 9.965 cuộc. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của NTD đạt 89%. Số còn lại chưa được hỗ trợ, tư vấn nguyên nhân là do số lượng tổng đài viên còn hạn chế.

 

Đáng chú ý, đánh giá của Cục CT&BVNTD, các khiếu nại, kiến nghị của NTD trải rộng trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực như: Nhà chung cư, bất động sản, bảo hiểm, tiêu dùng… Riêng lĩnh vực nhà chung cư, do tính chất các vụ việc khiếu nại tương đối phức tạp, một số vụ việc được chuyển đến các Sở Công Thương địa phương để xử lý theo phân cấp nên thời gian xử lý các vụ việc kéo dài.

 

Cũng trong năm 2020, Cục CT&BVNTD đã ban hành quyết định xử phạt đối với 10 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo vệ NTD, với số tiền phạt gần 600 triệu đồng. Đồng thời, tiếp nhận và thực hiện giám sát 36 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật, trong đó, chủ yếu liên quan đến nhóm sản phẩm xe ôtô.

Khắc phục những hạn chế

 

Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sau gần một thập kỷ thực thi đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của NTD. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi chưa cao, do trong bối cảnh mới, những quy định trong luật không còn phù hợp. Điển hình như các quy định về mô hình thương mại điện tử. Hiện nay xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, chuyển dịch mạnh mẽ phương thức mua hàng từ offline sang online; có rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới xuất hiện song chưa có chế tài xử lý.

 

Do đó, để hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi NTD, trong năm 2021, Cục CT&BVNTD sẽ trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD giai đoạn 2021-2025.

 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh quyền lợi NTD ngày càng bị xâm phạm với phạm vi rộng, tinh vi thì việc bảo vệ NTD cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội. Đồng thời cần có chế tài xử lý sai phạm với tính răn đe đủ mạnh đối với vi pham.

 

Giai đoạn 2017-2019, số lượng cuộc gọi đến tổng đài 1800.6838 tăng 10%/năm. Bình quân có trên 1.000 vụ việc khiếu nại được giải quyết trong một năm, song theo đánh giá, số lượng cuộc gọi còn rất khiêm tốn so với thực tế giao dịch.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang