Người cao tuổi dễ bị tổn thương trong hoạt động tiêu dùng
Thời gian qua, người cao tuổi Thủ đô và trên các tỉnh, thành phố cả nước đã gặp phải các tình trang có dấu hiệu bị xâm phạm quyền lợi tiêu dùng khi mua hàng tại các hội thảo tư vấn sức khỏe, hội thảo đội lốt đưa hàng Việt về nông thôn, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình tặng quà tri ân,...Nhiều người cao tuổi khi tham gia các hội thảo tư vấn sức khỏe, tin tưởng lời quảng cáo sản phẩm có thể chữa bệnh đã bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua các loại thực phẩm bổ sung như sữa, viên hoàn, sâm,... Trong đó, không ít sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Nhiều người mua các sản phẩm như xoong, nồi điện, chảo… với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường. Ngoài ra, còn tình trạng mua phải hàng cận date, hết date, dán đè date,…
Đơn cử, giữa năm 2022, bằng hình thức tổ chức Chương trình “Khách đến thăm quan được tặng quà”, một hộ kinh doanh ở đường Kẻ Vẽ, Đông Ngọc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội tổ chức giới thiệu và bán nhiều sản phẩm cho người cao tuổi với giá cao: Bộ cao hắc sâm 7 triệu đồng/hộp (06 lọ nhỏ); kem đánh răng Hàn Quốc với giá 200.000/hộp; Nấm Linh chi khoảng gần 2.000.000/1 hộp... Hoạt động này gây bức xúc cho nhiều gia đình tại địa phương khi những người già giấu giếm con cái, “vét” hết tiền để đi mua hàng.
Một số trang mạng mạo danh cơ sở y tế quảng cáo dịch vụ, sản phẩm chữa bệnh
Bên cạnh tình trạng mua hàng giá cao tại các hội thảo, người cao tuổi còn dễ bị “mắc bẫy” khi mua hàng trên mạng, nhất là các trang facebook, youtobe,... Hiện nay, công nghệ internet phát triển, người cao tuổi dễ dàng tiếp xúc với mạng xã hội. Trên nền tảng mạng xã hội hiện hữu nhiều nội dung quảng cáo sản phẩm có tác dụng chữa khỏi bệnh, chữa khỏi hoàn toàn, đặc trị bệnh,... Điểm “đòn” quyết định đánh vào tâm lý, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi là những trang mạng này sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ, ông lang, bà mế, diễn viên, người nổi tiếng để quảng cáo. Không khó để thấy là nhiều bác sĩ, diễn viên, người nổi tiếng xuất hiện quảng cáo cho nhiều nhãn hàng, trị nhiều loại bệnh khác nhau,... Qua những nội dung quảng cáo này, không ít người cao tuổi đã bỏ ra số tiền không nhỏ, dành dụm lâu ngày để mua sản phẩm những mong có thể cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, kết quả nhận được là “tiền mất tật mang”.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Quế (đã đổi tên) ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội xem trên mạng thấy quảng cáo một sản phẩm của ông Lang Tào chữa khỏi bệnh đau lưng, đau gối,... nên đã bỏ ra 4,5 triệu đồng để mua 04 lọ sản phẩm về dùng. Dùng hết 04 lọ, nhưng bệnh tình của bà không biến chuyển. Được thể lấn tới, người tư vấn còn tiếp tục thuyết phục bà mua thêm liệu trình nữa với số tiền tương đương, vẫn cam kết sẽ khỏi bệnh,…
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng Hà Nội và các tỉnh thành đã lên tiếng cảnh báo, vào cuộc kiểm tra, xử phạt, kịp thời ngăn hoạt động bán hàng đội giá, bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa trôi nổi trên mạng...; đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người cao tuổi cảnh giác trước những hình thức bán hàng tặng quà, tri ân, bán hàng hội thảo, bán hàng trên mạng xã hội,...
Cơ chế bảo vệ quyền lợi tiêu dùng đối với người cao tuổi
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), người cao tuổi thuộc 01 trong 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Theo đó, nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương được ưu tiên bảo vệ quyền lợi trong một số trường hợp, cụ thể: Được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan; Được tổ chức, cá nhân kinh doanh ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan; Được tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định; Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu và hướng dẫn cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm (Khoản 2 Điều 8 Luật).
Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với riêng nhóm đối tượng. Ngoài các trách nhiệm chung theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật, khi giao dịch với nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương quy định tại Điểm C, Khoản 2 Điều này do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán; Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch; Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức, hoặc các biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Xây dựng, cập nhật, công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung quy định tại khoản này theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó. Trách nhiệm quy định tại điểm này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp doanh nghiệp đó thực hiện giao dịch quy định tại Chương III của Luật này (Khoản 3, Điều 8 của Luật).
Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh…
Để có cơ sở nhận diện chính xác người tiêu dùng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này, Luật cũng quy định khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu cần bảo vệ thì cần kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Qua đây nhận thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chỉ rõ những đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa. Trong đó, người cao tuổi được quan tâm hàng đầu. Trên cơ sở đó, người cao tuổi và gia đình cần tích cực tiếp cận thông tin pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin đơn vị sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, kịp thời phản ánh những hiện tượng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng đội giá,... tới các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của cộng đồng.
MN