Chủ Nhật, 24/11/2024 09:58:12 GMT+7
Lượt xem: 933

Tin đăng lúc 28-09-2020

Bất an khi thực phẩm ngoại... 'chiều lòng' người Việt

Cùng với việc cắt giảm thuế quan theo hiệp định thương mại tự do (FTA), thói quen ưa chuộng thực phẩm ngoại của người tiêu dùng trong nước sẽ là điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các mặt hàng thực phẩm nước ngoài thâm nhập.
Bất an khi thực phẩm ngoại... 'chiều lòng' người Việt
Thực phẩm Mỹ ồ ạt "đổ bộ" chinh phục người tiêu dùng Việt Nam

Thời gian gần đây, nhiều loại thực phẩm Mỹ ồ ạt "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam, tìm mọi cách chinh phục người tiêu dùng. Dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, song điều này không cản đường thực phẩm xứ sở Cờ hoa đến Việt Nam.

 

Thực phẩm Mỹ ồ ạt "đổ bộ" 

 

Vừa qua, Hội chợ thực phẩm Mỹ được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Các sản phẩm của Mỹ bán rất chạy và được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích gồm thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, các sản phẩm từ sữa và trái cây tươi như táo, anh đào, việt quất, cam, lê và nho.


Người tiêu dùng được trải nghiệm, được mua đúng hàng Mỹ "xịn". Không chỉ thế, đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, còn được đầu bếp hướng dẫn rất kỹ cách chế biến.

 

Trước đó, hồi tháng 7/2020, Tuần lễ thịt heo Mỹ cũng đã được tổ chức tại hơn 50 siêu thị ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy khai thác nguồn thịt heo từ thị trường Mỹ cho biết, sản phẩm thịt heo nhập ngoại có chất lượng tốt, màu sắc hấp dẫn và mùi vị rất thơm. Đặc biệt, giá rất cạnh tranh, thấp hơn sản phẩm nội cùng loại từ 10 - 20%. Vì vậy, những doanh nghiệp này đang có kế hoạch tăng nguồn thịt heo nhập khẩu từ nay đến cuối năm để phục vụ người tiêu dùng trong nước.

 

Lo ngại ngành chăn nuôi thất thế trên "sân nhà" đã hiện hữu, và cũng được Bộ NN&PTNT thừa nhận nhiều lần. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi hiện còn nhiều vấn đề. Nếu mở cửa thị trường chăn nuôi, sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh với hàng ngoại vì chất lượng kém, giá thành cao. Vì vậy, ngành chăn nuôi đang tìm cách tái cơ cấu để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

 

Tiếp thêm sức cho thực phẩm nội 

 

Không chỉ sản phẩm chăn nuôi từ Mỹ ồ ạt vào Việt Nam, mà thời gian gần đây, nhiều mặt hàng thực phẩm rất đa dạng từ EU, Thái Lan... cũng đang là "đối thủ" đáng gờm với doanh nghiệp trong nước. 

 

Riêng với mặt hàng rau quả, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 8/2020 ước đạt 93 triệu USD, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 810 triệu USD. Mỹ, Trung Quốc, Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020.

 

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, sự gia tăng của hàng ngoại nhập đang tạo sức ép rất lớn tới doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có quy mô vừa và nhỏ nên rất hạn chế về vốn, công nghệ. Các doanh nghiệp không có nguồn kinh phí đủ lớn để làm công tác thị trường.

 

Do vậy, các cơ quan chức năng cần tính đến những hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng hàng ngoại bán phá giá tại thị trường Việt Nam. Mặt khác, cần thắt chặt kiểm soát nguồn gốc hàng nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi, tránh nguy cơ hàng hóa bị đánh tráo xuất xứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

 

Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ bằng việc hỗ trợ các thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng các cửa hàng mới. Đây là nền tảng để hàng Việt chắc chân tại thị trường nội địa, tăng khả năng cạnh tranh với thực phẩm ngoại đang ồ ạt tràn vào sau khi hàng loạt FTA có hiệu lực.

 

Ở góc độ chuyên gia, GS.TS. Hoàng Đức Thân, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng thực thi FTA sẽ không còn khai niệm "sân nhà" mà là "sân chơi" chung gồm các chủ thể trong nước và ngoài nước. Do vậy, sản phẩm của Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. 

 

"Người sản xuất phải cực kỳ nhanh nhẹn trong khâu tìm hiểu thị trường tiêu thụ, marketing sản phẩm, tham gia các kênh phân phối... Có như vậy mới bán được hàng", ông Thân nhấn mạnh.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang