Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập dịp cuối năm
Mới đây, RAPEX (hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm tiêu dùng không an toàn và bảo vệ người tiêu dùng) đã công bố nhiều đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất độc hại.
Có đến 20 sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị RAPEX đưa vào danh mục cảnh báo này và bị đề nghị thu hồi bao gồm những đồ chơi bằng nhựa như: siêu nhân, bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê nhựa (giống búp bê Barbie), bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi…
Tuy nhiên, càng về cuối năm, thị trường đồ chơi Trung Quốc càng tấp nập.Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), các mặt hàng đồ chơi như búp bê Barbie, chú Minion, sâu, bộ đồ chơi nhà bếp, bác sĩ, được bày bán đa dạng về mẫu mã và giá cả.
Cụ thể, bộ đồ chơi bác sĩ có giá dao động từ 60.000 – 90.000 đồng/bộ, các mẫu búp bê tùy loại giá từ 130.000 – 250.000 đồng/bộ. Đặc biệt, tại các cửa hàng đồ chơi và trước cổng trường tiểu học, miếng dán đồ chơi nhựa (sticker) rất phổ biến và được trẻ em yêu thích giá chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/miếng.
Những bộ đồ chơi và miếng dán nhựa này đều có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt với nhiều kiểu dáng phục vụ cho từng độ tuổi khác nhau.
Một chủ cửa hàng thừa nhận tất cả đều là hàng Trung Quốc. “Những mặt hàng này Việt Nam cũng sản xuất được nhưng giá cao, màu sắc không đẹp bằng. Ví dụ, một con Minion đồ chơi loại nhỏ hàng Việt Nam bán đến 90.000 đồng nhưng của Trung Quốc chỉ khoảng 40.000 đồng” - chủ cửa hàng này nói.
Phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) là nơi trẻ em thích tìm đến bởi ở đây luôn bán đủ các loại đồ chơi mới lạ. Theo quan sát, nhiều cửa hàng ở phố này bày bán rất nhiều đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có cả dao, kiếm, súng, gậy phát sáng, mặt nạ, túi bóng bay... Chủ một cửa hàng thành thật nói: “Chúng tôi chọn hàng Trung Quốc bởi đa dạng, đẹp và rẻ hơn hàng Việt Nam”.
Người mua chủ quan, ham rẻ
Khi được đặt câu hỏi về những mẫu đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, nhất là miếng dán nhựa có khả năng gây ung thư và vô sinh ở trẻ em, nhiều chủ cửa hàng đồ chơi tỏ ra ngạc nhiên và bất ngờ.
Một chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can (Q. Hoàn Kiếm) vô tư trả lời: “Không biết, tôi chỉ lấy hàng ở một đầu mối tại Chợ Đồng Xuân rồi về bán vậy thôi! Trên ti vi mà chiếu hoạt hình nào thì mẫu đồ chơi đó ‘hot’, nhất là búp bê. Vì vậy khi lấy hàng tôi quan tâm tới mẫu mã hơn là xuất xứ”.
Chị T.Hạnh (Q. Hà Đông) chủ cửa hàng đồ chơi khác cho biết: “Trước tôi có nghe những mẫu đồ chơi có khả năng gây ung thư cho trẻ như miếng nhún hơi, hay đồ chơi phủ chì thay vì phủ bạc nên gây ung thư. Còn bây giờ thì tôi chưa nghe nói gì”.
Miếng dán Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe của trẻ
Cũng câu hỏi trên, chúng tôi đặt cho một số phụ huynh đón con trước cổng một trường tiểu học thì nhận được câu trả lời: “Từ trước nhà tôi đã cho bé chị chơi, đến giờ bé em cũng đòi chơi nên tôi cho tiền các bé vào mua trong căng-tin trường luôn”.
Chị Trần Thị Nhật Quỳnh (Q. Long Biên) cho rằng: “Mình mua cho bé chơi vì nghĩ những đồ chơi như thế này vừa gọn nhẹ lại kích thích khả năng sáng tạo của bé, nhất là bộ đồ chơi búp bê. Còn bệnh hay không bệnh thì bây giờ cái gì cũng độc hại, nếu vậy thì hóa ra không xài gì và không chơi gì được luôn sao?”.
Bên cạnh những phụ huynh chủ quan như chị Quỳnh cũng có một số phụ huynh vì không đủ điều kiện mua đồ chơi “xịn” cho con nên đành chấp nhận mua đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc.
Trẻ em hàng ngày tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong khi các bậc phụ huynh ngoài việc chủ quan, họ cũng chẳng biết thật giả của các món đồ này ra sao.
Nguồn: PV/nguoitieudung.com.vn