Nhiều chuyên gia ngành Y tế đều có chung nhận định rằng, thực phẩm chức năng đang được quảng cáo thổi phồng và thần thánh hóa quá mức. Có một thực tế đáng buồn là giữa một thị trường thực phẩm chức năng phát triển ồ ạt, chóng mặt, người tiêu dùng phải nhận nhiều hơn những trái đắng vì rút tiền triệu tiêu tốn cho những sản phẩm vốn đã bị tâng giá trị lên… chín tầng mây.
Quảng cáo sai sự thật tràn lan
Từ những năm 2012 – 2013, Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ của thực phẩm chức năng. Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng, tính đến năm 2018, số người thường xuyên sử dụng thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã là hơn 20 triệu người, tương đương khoảng 21,5% dân số.
Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều kênh quảng cáo tiếp cận khách hàng. Thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ vì thế cũng được truyền thông đưa đến tận đầu giường khách hàng. Chỉ cần vào mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…), người ta đã có thể bị bủa vây bởi hàng trăm quảng cáo, tư vấn sức khỏe về thực phẩm chức năng. Khách hàng như lạc vào “ma trận”, không còn tỉnh táo và dễ có những hành vi tiêu dùng gây thiệt hại cho chính mình.
Thời gian gần đây, nhiều công ty sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng đã tiến hành nhiều hoạt động quảng cáo, tuyên truyền quá mức, mập mờ về chức năng, công dụng của các loại thực phẩm chức năng, coi thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh. Một số công ty lợi dụng hình ảnh của các cơ sở y tế và nhân viên y tế để tạo sự tin tưởng từ khách hàng. Nhiều doanh nghiệp còn lập ra những trang “web” ma để rao bán, thổi phồng hiệu quả, công dụng của thực phẩm chức năng như là thuốc có thể chữa bách bệnh.
Dù không phải chiêu trò mới nhưng rất nhiều khách hàng vẫn bị “sập bẫy” trước những quảng cáo thuốc lẫn thực phẩm chức năng. Nhiều doanh nghiệp nắm trúng tâm lý khách hàng vốn muốn có được hiệu quả nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất nên ra sức PR cho sản phẩm của mình lên mức như “thần dược”, bao gồm các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Các bệnh lý phổ biến, nhiều người mắc như xương khớp, dạ dày, bệnh phụ khoa, nam khoa… được marketting bằng những ngôn từ phóng đại kiểu như: “đánh bại bệnh xương khớp”; “khắc tinh của xương khớp”; “sản phẩm chuyên biệt cho người bệnh xương khớp”; “hoàn tiền 100% nếu không bớt bệnh”; “chữa dứt bệnh không tái phát”… Còn có nhiều doanh nghiệp quảng cáo theo kiểu lập lờ, không có nội dung khuyến cáo: “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Bên cạnh đó, nhiều công ty, doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng qua mạng còn sử dụng người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ để lừa đảo khách hàng. Đội ngũ tư vấn này gần như không có kiến thức về y tế, dược lý…
Vẫn khó khăn trong xử lý vi phạm
Mặc dù Bộ Công Thương, Bộ Y tế đã nhiều lần kết hợp vào cuộc, ra nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo người tiêu dùng về tác hại của những quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo khi bị kiểm tra thường không thừa nhận các trang web và fanpage Facebook là của mình. Trong khi những trang web này lại đặt máy chủ và cơ sở dữ liệu ở nước ngoài, rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ
Với hàng nghìn loại thực phẩm chức năng hiện đang có mặt trên thị trường, việc kiểm tra, quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện xử phạt vi phạm vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Ngoài ra, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng vì hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc. Tuy nhiên, tổng mức phạt chỉ là 115 triệu đồng, trong đó một công ty mỹ phẩm và dịch vụ bị phạt “nặng” nhất với mức phạt 50 triệu đồng. Rõ ràng, với một mặt hàng mang về siêu lợi nhuận như thực phẩm chức năng, mức phạt ấy chỉ tựa như “muỗi đốt inox”.
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đánh giá nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng đang liên tục tăng. Năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia SXKD với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.
Việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các vụ vi phạm quảng cáo, vi phạm chất lượng về thực phẩm chức năng là việc cấp thiết phải làm gấp. Tuy vậy, có thể nhận ra rằng cách làm hiện nay phần nào chưa phát huy hiệu quả thực sự, chưa trúng hướng. Chúng ta mới chỉ dừng ở mức phát hiện vi phạm và xử phạt khi sản phẩm đã được tiêu thụ và bán ra ngoài thị trường trong khi lẽ ra phải kiểm soát ngay từ đầu vào, từ khâu sản xuất, cấp phép đến khi sử dụng.
Năm 2019, để tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP). Chứng nhận GMP sẽ là một trong nhiều công cụ đo lường sự tin tưởng của các sản phẩm thực phẩm chức năng. Dự kiến thời gian tới sẽ có khoảng 100 đến 200 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá: “Hiện nay không lo thiếu thực phẩm chức năng, mà chỉ lo thiếu thực phẩm chức năng chất lượng tốt. Đặc biệt, chúng ta cần lành mạnh hóa thị trường để bảo vệ người tiêu dùng…”.
Lê Minh