Thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, chúng liên tục thay đổi phương thức hoạt động nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Các đối tượng mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới thông qua các nền tảng điện tử xuyên biên giới, sau đó chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng không khai báo, hoặc khai báo hải quan không đúng với thực tế lô hàng, hoặc nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn…
Ngày 26/9, BCĐ 389 Quốc gia đã lập đoàn khảo sát, kiểm tra công tác chống buôn lậu qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài do ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia cùng các đoàn liên ngành của BCĐ 389 thành phố Hà Nội gồm: Cục Quản lý thị trường Hà Nội; Công an Thành phố Hà Nội; Cục Hải quan thành phố Hà Nội. Đoàn làm việc tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài, Ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, nhà ga hàng hóa ALS Nội Bài. Đoàn đã kiểm tra kho hàng hóa ALS Nội Bài. Tại nhà ga T2, Đoàn đã kiểm tra các khâu như khu vực kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; khu vực soi chiếu, phân tích hình ảnh, camera giám sát của Hải quan, an ninh hàng không; khu vực hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế tại các cửa hàng miễn thuế, khu vực chó nghiệp vụ hoạt động và một số khu vực khác. Quá trình làm việc, đoàn công tác đã nghe báo cáo của BCĐ 389 thành phố Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và đánh giá cao công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài của BCĐ 389 thành phố Hà Nội trong thời gian qua.
Theo báo cáo, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong BCĐ389 thành phố Hà Nội đã phối hợp, xử lý 827 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Trong đó, Cục Hải quan thành phố Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 820 vụ việc vi phạm (phát hiện, bắt giữ 26 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; 37 vụ bắt giữ ma túy). Số tiền phạt vi phạm thu nộp ngân sách nhà nước: 26,2 tỷ đồng; Cơ quan hải quan đã khởi tố 05 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 11 vụ. Về ma tuý, Cục Hải quan TP. Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ: 37vụ/26 đối tượng. Tang vật thu được 749.079,808 gam ma túy các loại bao gồm: 480.306,72 gam ma túy tổng hợp MDMA; 158.378,768 gam ketamine; 95.757,58 gam cần sa; 11.484,56 gam Cocain; 3.152,18 gam Methanphetamin.
Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 07 vụ, 10 đối tượng buôn lậu, trong đó xử lý hình sự 05 vụ, 08 bị can (buôn lậu 01 vụ - 04 bị can; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 03 vụ - 03 bị can; vi phạm quy định về động vật nguy cấp, quý hiếm: 01 vụ - 01 bị can).
Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Công an TP. Hà Nội bắt giữ 02 vụ việc gồm: 947 điện thoại di động, 279 Iphone 8 Plus và 87 máy tính bảng đều là hàng đã qua sử dụng, không có phụ kiện vỏ hộp kèm theo.
Có thể thấy, tình hình buôn lậu vẫn còn diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi đòi hỏi các lực lượng chức năng Hà Nội cần quán triệt, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, nghiên cứu mọi phương pháp hữu hiệu, nhằm ngăn chặn và kiểm soát buôn lậu qua đường hàng không một cách hiệu quả. Chính vì vậy, BCĐ 389 Quốc gia cũng đã chỉ đạo BCĐ 389 thành phố Hà Nội cần nhận định tình hình về thực trạng buôn lậu hiện nay, qua đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể; cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin về các thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng Hàng không Quốc tế.
BCĐ 389 thành phố Hà Nội trong thời gia tới, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng Hàng không Quốc tế và đưa ra các giải pháp như:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, phương thức thủ đoạn các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm...
2. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng; nắm tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kịp thời phát hiện các ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xử lý triệt để, không để hình thành các tổ chức, đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn Thành phố.
3. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa; giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ để phát hiện và phòng ngừa tiêu cực, bảo đảm các lực lượng chức năng trong sạch, vững mạnh.
4. Thông qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu sân bay quốc tế; phát hiện những bất cập của chính sách pháp luật bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu sân bay quốc tế; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật, đảm bảo tính răn đe nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu.
Công Đăng