Tham dự hội thảo gồm: Các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành thành viên BCĐ 389 Quốc gia, Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế; Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an; Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính; Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ; Vụ I - Văn phòng Chính phủ; Ban Chỉ đạo 389 của 30 tỉnh thành phố và Hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ Thương hiệu Việt Nam; Quỹ chống hàng giả; các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,…
Theo báo cáo, trên địa bàn cả nước, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý, cụ thể: Năm 2019 xử lý 8.479 vụ vi phạm; năm 2020 xử lý 5.723 vụ; năm 2021 xử lý 4.094 vụ; năm 2022 xử lý 3.527 vụ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho rằng: Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trưởng BCĐ 389 Quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Tại Hội thảo, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, nhằm đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu hiện nay. Mọi ý kiến đều đồng nhất, cần tích cực phối hợp giữa các lực lượng chức năng, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu… Tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp tham gia tố giác các hành vi vi phạm khi phát hiện gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi của chính mình, giúp làm ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
CD