Thứ Sáu, 22/11/2024 21:55:59 GMT+7
Lượt xem: 3615

Tin đăng lúc 13-05-2017

Bến Tre chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu

Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Thời gian qua, địa phương đã tìm nhiều giải pháp và chủ động triển khai để thích ứng biến đổi khí hậu.
Bến Tre chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu
Nông dân xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (Bến Tre) chuyển từ trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò trước tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.

Nước mặn xâm nhập

 

Mới đầu mùa khô, tình trạng sạt lở bờ biển bắt đầu diễn biến phức tạp gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa của người dân. Gia đình ông Huỳnh Văn Ngoạt (ngụ ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có căn nhà khá kiên cố nhưng vừa bị sóng biển đánh sập. Ông kể: “Chiều hôm đó thấy triều cường dâng cao, sóng rất dữ dội nên vợ chồng tôi vào nhà đứa con ở sâu trong đất liền ngủ tạm. Sáng ra, căn nhà bằng gạch đã bị đánh sập từng mảng tường, nhiều đồ đạc cũng bị cuốn ra biển. Gia đình bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng”. Theo ông Ngoạt, đây là lần đầu người dân thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp như vậy; cột sóng cao hơn bốn mét đánh vào bờ với lực rất mạnh. Trước đây, căn nhà của ông Ngoạt cách bờ biển gần một ki-lô-mét nhưng sau mấy chục năm sóng biển đã lấn dần dần, bây giờ “nuốt” luôn căn nhà và nhiều đồ đạc bên trong.

 

Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Trần Văn Lâm cho biết: “Đợt sóng biển kết hợp với triều cường mấy ngày nay đã làm sạt lở hai ki-lô-mét bờ đê, ăn sâu vào đất liền khoảng 10 m. Tổng cộng có 25 hộ dân bị ảnh hưởng với thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Trong đó, hai căn nhà của dân bị sập, năm héc-ta hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn. Nơi đây là điểm nóng của sạt lở bờ biển trong mấy năm qua nhưng năm nay thiệt hại nặng nề nhất. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng với dân gia cố tạm thời bờ đê để chờ thủy triều rút sẽ khắc phục hoàn toàn. Trong thời gian tới sẽ đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây bờ kè mềm, trồng rừng để hạn chế sạt lở”.

 

Hơn một tháng nay, nước mặn cũng đã xâm nhập sâu vào các nhánh sông gây khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo báo cáo của Trạm Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện tại, độ mặn tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng nhiều nơi đã lấn sâu vào nội đồng. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào sông Cửa Đại, Cổ Chiên, Hàm Luông cách cửa sông từ 34 đến 42 km; độ mặn 1‰ cũng đã vào sâu các nhánh sông cách cửa sông khoảng 54 km.

 

Tìm giải pháp thích ứng

 

Cuối tháng 3, trời nắng như đổ lửa, ông Trần Văn Phương, ngụ ấp Tân Phước (xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm) cùng nhóm nhân công cặm cụi đào đất, lên liếp 2,5 công đất ruộng để trồng đậu bắp, đu đủ. Ông Phương quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng đu đủ vì năm rồi nước mặn xâm nhập gây thiệt hại nặng nề. Ông Phương cho biết: Vùng này năm rồi đa số bà con trồng lúa vụ đông xuân đều bị thiệt hại từ 50% trở lên do xâm nhập mặn. Năm nay, thực hiện chủ trương của Nhà nước, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng cỏ, dừa, hoa màu… nhằm tránh thiệt hại. Ông Trần Tấn Đạt, ngụ ấp 3, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri canh tác 3,5 công đất đang chuyển đổi một công (1.000 m2) sang trồng cỏ, 2,5 công còn lại ông chuẩn bị lên liếp để trồng hoa màu. Ông nói: “Năm nay tôi quyết định trồng một công cỏ để nuôi sáu con bò vì cỏ có khả năng chịu mặn rất tốt, diện tích còn lại chỉ làm hai vụ hè thu và thu đông rồi tạm bỏ ruộng không. Năm sau tôi không sản xuất lúa mà sẽ chuyển sang trồng các loại rau, cây ngắn ngày nhằm “né” nước mặn”. Không riêng cánh đồng của ông Đạt, những cánh đồng ở chung quanh cũng chỉ làm hai vụ lúa, nhằm tránh thiệt hại. Theo lãnh đạo xã Phú Lễ, năm nay địa phương có chủ trương chỉ làm lúa hai vụ để hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn. Đồng thời, phát triển các mô hình trồng cỏ với diện tích 66,6 ha để chăn nuôi bò. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường được người dân đồng tình rất cao. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển những mô hình trồng cỏ, rau màu, cây ăn trái hay chăn nuôi phù hợp với tình hình thời tiết khắc nghiệt.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết: Để ứng phó với tình hình hạn, mặn, tỉnh đã trang bị hệ thống quan trắc ở tất cả các cửa sông nhằm đo độ mặn và cung cấp thông tin qua tin nhắn điện thoại tới từng lãnh đạo UBND xã để nắm bắt độ mặn, thông tin cho người dân kịp thời. Tỉnh cũng đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa” và đã vận động được khoảng 500 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm để tặng dụng cụ trữ nước mưa cho người dân. Hiện nay, đang triển khai dự án hồ chứa nước ngọt ở huyện Ba Tri, xây dựng hệ thống cống để chủ động nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, để xử lý các điểm sạt lở bờ biển, sẽ xây dựng hệ thống kè và trồng vành đai rừng phía trong. Tỉnh cũng đang có chủ trương phát triển kinh tế thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Năm 2017, đã chuyển đổi sản xuất từ ba vụ lúa/năm còn hai vụ lúa/năm để hạn chế ảnh hưởng do hạn mặn, kết quả bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Đồng thời, sắp tới sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất nhằm phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.

 

Nguồn Nhandan.com.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang