Trong 9 tháng đầu năm 2022, tại Bến Tre, việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp; nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí và ý nghĩa của KTTT, HTX được nâng lên. Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX từng bước phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng xã nông thôn mới được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.075 tổ hợp tác (THT) và 177 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện; nông nghiệp - thủy sản; quỹ tín dụng nhân dân; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp; giao thông - vận tải; tài nguyên - môi trường với tổng số vốn điều lệ gần 289 tỷ đồng; tổng số thành viên tham gia là 45.658 người, trong đó có 2.932 lao động thường xuyên.
Tổng số người tham gia bộ máy quản lý HTX là 760 người; số người tham gia quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 230 người, chiếm tỉ lệ 30,2%; trình độ sơ cấp, trung cấp là 345 người, chiếm 44,4%; số còn lại chưa qua đào tạo là 185 người, chiếm 24,3%.
Liên minh HTX tỉnh thường xuyên theo dõi nắm tình hình, tiếp nhận thông tin, đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các HTX; tích cực phối hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX, thành viên. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, thành lập mới các HTX, đi đôi với hướng dẫn, hỗ trợ HTX xây dựng bộ máy nhân sự để công tác quản trị, điều hành của HTX được ổn định và hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, lĩnh vực KTTT, HTX của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về KTTT, HTX hiện nay chưa đầy đủ, chưa xem HTX là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhận thức của một bộ phận nhân dân vẫn còn định kiến về HTX kiểu cũ, chưa thấy được sự cần thiết và vai trò quan trọng của HTX kiểu mới trong nền sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Chính quyền cấp xã ở một số nơi thiếu thường xuyên chỉ đạo, đồng hành cùng HTX; chậm củng cố, nâng chất các HTX hoạt động yếu kém kéo dài.
Hoạt động của cơ quan Liên minh HTX tỉnh còn nhiều khó khăn. Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, cơ cấu bên trong chưa phù hợp (do là tổ chức hội đặc thù); số lượng cán bộ, nhân viên cơ quan Liên minh còn thiếu, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều hơn.
Công tác tham mưu và hoạt động phối hợp chưa thực sự chủ động, sáng tạo, còn thiếu về điều kiện và nguồn lực để trực tiếp hỗ trợ HTX.
Nhiều HTX hiện là thành viên Liên minh HTX tỉnh, nhưng năng lực quản trị, điều hành vẫn còn yếu, cơ sở sản xuất và nguồn vốn hoạt động còn rất hạn chế; chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm của HTX, lợi ích mang lại của HTX đối với thành viên chưa nhiều. Mô hình HTX điểm, kiểu mới thành công còn ít, chưa tạo điểm sáng, lan tỏa để tuyên truyền trực quan, sinh động và thu hút đông đảo người dân tham gia HTX.
Nghiên cứu đề xuất thành lập HTX sản phẩm OCOP đặc trưng của Bến Tre
Tại buổi làm việc mới đây với Liên minh HTX tỉnh Bến Tre và các HTX, tổ hợp tác tiêu biểu, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ yêu cầu tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; chủ động, tích cực vận động người dân tham gia tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ, động viên, khuyến khích các HTX phát triển đúng hướng, bền vững, sớm hình thành các Liên hiệp HTX cùng ngành, nghề hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời, làm tốt vai trò cầu nối, kết nối giữa các HTX với các doanh nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động liên kết đầu vào, đầu ra; chọn mô hình HTX điểm, hoạt động hiệu quả trong liên kết để nhân rộng, tạo sự lan tỏa, nâng cao lòng tin của người dân đối với KTTT, HTX; phát triển phong trào toàn dân tham gia HTX, tổ hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2025, mỗi HTX nông nghiệp có ít nhất một sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; hỗ trợ nâng sao, nâng hạng và nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh; tạo thế mạnh trong tiêu thụ sản phẩm, ổn định và nâng cao thu nhập, đời sống của thành viên. Nghiên cứu đề xuất thành lập HTX sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh để nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm của địa phương.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu và tiếp tục đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của HTX; ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động của HTX. Phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu… cho sản phẩm của HTX.
Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Bến Tre cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền để hệ thống chính trị, người dân thống nhất nhận thức và nắm rõ bản chất, vai trò, tầm quan trọng của KTTT, HTX trong sự phát triển của địa phương; đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX theo đúng thẩm quyền, phù hợp điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; tập trung chỉ đạo các địa phương quan tâm phát triển KTTT, HTX gắn với công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Riêng các HTX cần phải tập trung đổi mới tổ chức và nâng cao năng lực điều hành, kiểm soát hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển, từng bước hoàn thiện bộ máy, ổn định nhân sự, tăng cường nhân lực làm công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm có nhân sự quản trị, điều hành tâm huyết, có trình độ đáp ứng yêu cầu công việc; huy động được vốn của thành viên để đầu tư phát triển; có hướng liên kết sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn hoạt động của HTX và điều kiện của địa phương.
Theo báo Chính phủ