Công tác giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phát triển thị trường lao động toàn diện
Xác định giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả tích cực. Tỉnh tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là hỗ trợ lao động trong vùng dự án có đất bị thu hồi và tìm lao động cho doanh nghiệp trong các khu/cụm công nghiệp.
Thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp và thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực, tỉnh quan tâm thực hiện công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh cho 6.000 học sinh THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tuyển sinh và đào tạo cho 11.985 người, đạt 108,9% kế hoạch năm. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 64,22% vào cuối năm 2022 lên 66,55%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 34,57% vào cuối năm 2022 lên 36,90%, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 được giao.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm, 18 lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 21.296 lao động (trong đó có 1.248/1.248 lao động ngoài tỉnh trở về địa phương), đạt 106,5% kế hoạch năm. Có 1.907 lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 95,35% kế hoạch năm; ước đến cuối tháng12/2023 sẽ đạt mục tiêu đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả giải quyết việc làm trong những tháng qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, giảm dần tỷ lệ lao động khu vực I, tăng dần tỷ lệ lao động ở khu vực II và khu vực III.
Với việc thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, Bến Tre đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lực lao động, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa nông thôn và thành thị, giữa người lao động làm nông nghiệp với lao động trong các lĩnh vực khác.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Thời gian qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Bến Tre đã được quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 15 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân bố đồng đều giữa các địa phương, các trường cao đẳng và trung cấp, tập trung chủ yếu ở địa bàn đô thị. Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 11.000 người. Hệ thống trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh đã có bước chuyển biến, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với thị trường lao động, qua đó đã chuyển đổi việc đào tạo từ các ngành học về quản lý kinh tế sang các ngành kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc đào tạo chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu” giúp sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, trong đó đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2024 đạt 68%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38%.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra là tập trung thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là ngành phục vụ phát triển kinh tế biển; quan tâm công tác đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bến Tre cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo “Học đi đôi với hành”; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.
Theo Diendandoanhnghiep.vn