Hai báo cáo mới nhất đã chứng minh rằng các sự kiện nóng lên và lạnh đi trước kỷ nguyên Công nghiệp - như cái gọi là Thời kỳ băng hà nhỏ và Thời kỳ ấm áp thời trung cổ - có phạm vi nhỏ hơn rất nhiều so với sự nóng lên do con người gây ra trên toàn cầu ngày nay.
Sử dụng một cơ sở dữ liệu khổng lồ được tổng hợp từ gần 700 hồ sơ chuyển tiếp về nhiệt độ lịch sử - gồm cây, băng, trầm tích, san hô, hang động và bằng chứng tài liệu - các tác giả của hai bài báo này đã dệt nên một bức tranh toàn cầu về biến đổi khí hậu kể từ 2.000 năm trước.
"Điều đáng nói chính là sự biến đổi khí hậu trong thời kỳ đương đại rất khác với những gì đã xảy ra trong 2.000 năm qua", nhà khoa học khí quyển Nathan Steiger giải thích trong một cuộc họp báo gần đây.
"Sự ấm áp và lạnh lẽo trong quá khứ chỉ là khu vực, trong khi những gì chúng ta thấy bây giờ là một hoạt động ở mức độ toàn cầu", ông Steiger giải thích thêm.
Những phát hiện mới này, dựa trên 7 kỹ thuật thống kê khác nhau, cung cấp bối cảnh lịch sử rõ ràng hơn nhiều cho cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay mà con người đang phải đối mặt. Trước đây, nhiều người tin rằng thời kỳ băng hà nhỏ, xảy ra đồng thời trên toàn cầu. Nhưng phân tích toàn diện được công bố trên tạp chí Nature cho thấy niềm tin này là sai.
Chu trình biến đổi khí hậu trong 2.000 năm qua (màu sẫm là nóng lên, màu trắng là lạnh đi)
Cụ thể, theo các phân tích thì thời kỳ băng hà nhỏ này xảy ra ở các thời điểm khác nhau, ở các địa điểm khác nhau và ở với vùng bao phủ chưa tới 1/2 diện tích Trái đất. Cụ thể, khu vực trung tâm và phía đông Thái Bình Dương đã trải qua đỉnh lạnh nhất của nó trong thế kỷ 15; trong khi châu Âu và đông nam Bắc Mỹ không bị ảnh hưởng bởi kỷ băng hà nhỏ này cho tới tận 200 năm sau.
Khi chúng ta xem xét các sự kiện ấm lên, ngay cả trong Thời kỳ ấm áp thời trung cổ, còn được gọi là dị thường khí hậu thời trung cổ, các nhà khoa học chỉ cho thấy 40% bề mặt Trái đất đạt đến nhiệt độ cao nhất.
Trong khi đó, sự biến đổi khí hậu hiện nay, xảy ra khi công nghiệp bùng nổ cho thấy sự nóng lên của 98% diện tích toàn cầu. Sự thật này làm các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cảm thấy ngạc nhiên, khi họ hy vọng có nhiều địa điểm chưa trải qua sự ấm lên đồng bộ với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, cuối cùng, chỉ có một phần nhỏ của Tây Nam Cực thực sự giữ vững trước biến đổi khí hậu hiện nay.
"Do đó, dù tốc độ ấm lên gần đây không hoàn toàn đồng nhất trên toàn cầu, với các khu vực biệt lập có chút nóng lên hoặc thậm chí lạnh đi, hệ thống khí hậu hiện đang ở trạng thái kết hợp nhiệt độ toàn cầu chưa từng có", các nhà khoa học nhận định về xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo các kết quả nghiên cứu, kèm thêm sự xác nhận của một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Geoscience thì biến đổi khí hậu trước đây - thời kỳ tiền công nghiệp - xảy ra chủ yếu do hoạt động của núi lửa.
Hai bài báo này cho rằng các sự kiện nóng lên và làm mát cực đại trước cuộc cách mạng công nghiệp bị hạn chế bởi các biến đổi khí hậu khu vực không đủ mạnh hoặc đủ lâu để tạo ra những thay đổi khí hậu toàn cầu và đồng bộ.
Ngược lại, cuộc khủng hoảng khí hậu ngày nay đang diễn ra với tốc độ và quy mô quá lớn, nó không thể được giải thích chỉ bằng sự biến đổi khí hậu tự nhiên.
Theo Motthegioi