Phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - TGĐ May 10 về những kinh nghiệm dẫn đến thành công này.
PV: Thưa Tổng giám đốc, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 trong điều kiện vô cùng khó khăn, May 10 đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục phát triển trong năm 2018 và những năm tới?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Theo tôi, những bài học trong năm 2017 không khác các năm trước nhưng cách thực hiện thì khác nhau.
Thứ nhất là, vấn đề tiết kiệm phải được xuyên suốt ở mọi hình thức, mọi lúc, mọi nơi mà đầu tiên là định mức. Phải siết chặt tất cả các khâu định mức. Định mức quyết định giá thành và sử dụng lao động. Nếu định mức chặt chẽ, sử dụng lao động hợp lý sẽ có giá bán cạnh tranh. Hai là, phải phát huy sự sáng tạo, tính tự giác của mọi người. Nếu tất cả mọi người cùng tự giác và chủ động sáng tạo sẽ đóng góp trí tuệ cho doanh nghiệp (DN) rất lớn và ngược lại sẽ gây lãng phí và phá vỡ kế hoạch của DN. Ba là, phải công khai minh bạch, mọi thứ phải rõ ràng và mọi người cùng tham gia giám sát. Làm như vậy, người lao động sẽ tin tưởng và tập trung suy nghĩ làm thế nào để công việc tốt lên. Khi người lao động tin tưởng về công khai minh bạch thì sẽ có nhiều lợi thế. Người lao động tham gia giám sát hoạt động của DN, cấp dưới giám sát cấp trên, đồng nghiệp giám sát lẫn nhau... sẽ là yếu tố kích thích phát triển sản xuất. Ví dụ, một việc làm của DN, người lao động (NLĐ) cảm thấy chưa phù hợp, họ có thể tham gia góp ý để phù hợp hơn. Vì vậy, công khai minh bạch vô cùng quan trọng. Công khai minh bạch tạo được lòng tin. Công khai minh bạch để mọi người cùng thi đua. Đây là bài học mang lại nhiều lợi ích cho DN.
Một bài học nữa cũng không kém phần quan trọng là phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Nếu DN cứ trông chờ quá nhiều vào khách hàng, hoặc chờ cơ chế xin cho của Nhà nước mà không chịu suy nghĩ, sáng tạo tìm giải pháp khắc phục để vươn lên thì DN sẽ khó tồn tại. Vì thế, phải tự giác, tự chủ, tự lực, tự cường, “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nếu chúng ta muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải tìm ra phương tiện. Muốn đạt được mục tiêu thì phải nỗ lực phấn đấu và đau đáu vì nó. May 10 có khẩu hiệu “Muốn là được, đi là đến, gõ cửa là mở”. Đây không phải là bài học mới mà ai làm được như vậy đều tốt.
Bài học tự phê bình và phê bình, nghe có vẻ cũ nhưng lại là mới. Chúng tôi đang cho mọi người tự đánh giá công việc của mình, tự tìm ra những điểm chưa phù hợp, tự xây dựng giải pháp để khắc phục và cho mọi người cùng tham gia. Khi mình bị mọi người phê bình thì khó chịu, còn mình tự phê bình thì thấy thoải mái. Mỗi người tự rút ra bài học cho mình, sau đó đồng nghiệp tham gia. Phê bình, tự phê bình trong công việc là cái mới và đó cũng là đổi mới trong công tác quản lý.
PV: Kết quả sau khi thực hiện tự phê bình thu được như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Trước hết chúng tôi áp dụng cho cán bộ quản lý. Khi người ta nhận thức được cái sai của mình, thì tự biết cách điều chỉnh, sửa chữa thay đổi, tất nhiên kết quả sẽ tốt hơn. Chúng ta có thói quen phê bình người khác mà không tự phê bình mình. Khái niệm tự phê bình khá rộng. Chẳng hạn, tự đánh giá hoạt động của đơn vị, tìm ra những tồn tại, sau đó tìm giải pháp cụ thể và kế hoạch khắc phục và mọi người giám sát xem thiếu sót mình có khắc phục không. Sau khi thực hiện một công việc, sự kiện... cũng phải tự đánh giá và nó trở thành những kinh nghiệm. Đây là điểm nổi bật trong năm 2017. Lúc đầu ai cũng kêu khổ, kêu khó nhưng khi đã xác định thì cái khó cái khổ là bình thường. Nếu ai cũng chịu khó mày mò, chịu khó suy nghĩ thì cái gì cũng làm được hết. Đây là một trong những điểm quan trọng.
PV: Năm 2018 sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng có không ít cơ hội. May 10 đón nhận nó như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Chúng tôi nghĩ rằng, dù ở điều kiện khó khăn nào, dù thị trường có thuận lợi hay khó khăn thì vẫn phải mài giũa khả năng cạnh tranh. Nếu Hiệp định Thương mại Việt Nam châu Âu được ký kết, chúng tôi sẽ tranh thủ tăng thêm lợi thế cho mình, nhưng không có nghĩa có thị trường mà không nỗ lực. Cái nữa là, làm sao để thương hiệu Việt nói chung và thương hiệu May 10 nói riêng phải tham gia vào thị trường thế giới mới là mục tiêu quan trọng. Điều này không đơn giản nhưng phải làm bằng được.
Chúng tôi đang bán hàng theo các phương thức như bán ODM (mình tìm nguyên liệu phù hợp, thiết kế rồi bán cho khách hàng bằng thương hiệu của họ) và bán OBM (tự thiết kế, sản xuất, bán bằng thương hiệu của mình) trên mạng Amazon (nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hoa Kỳ trong lĩnh vực internet). Đây là phương thức rất tốt. May 10 là một trong rất ít DN đang bán hàng bằng phương thức này, tuy sản lượng còn khiêm tốn nhưng chúng tôi đang hướng vào mục tiêu đó.
Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh bán hàng trên các Trung tâm thương mại và bán hàng trên mạng điện tử “may10.vn”.
PV: Những giải pháp May 10 đề ra trong năm 2018 là gì, thưa Tổng giám đốc?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Giải pháp thì có nhiều nhưng có ba giải pháp quan trọng chúng tôi đề ra: Thứ nhất là, phải chiếm lĩnh được công nghệ. Thứ 2 là phải giữ được thương hiệu Việt, đừng để thương hiệu May 10 mất đi. Ba là, phải phát huy sức sáng tạo của mọi người lao động.
Nhân dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi muốn gửi đến những khách hàng thân thiết của May 10 là chúng tôi luôn luôn dành cho khách hàng những gì tốt đẹp nhất trên sản phẩm của mình, bao gồm thời trang, sự tiện dụng, giá cả và gửi vào đó cả tình cảm của chúng tôi. Mong muốn của chúng tôi dành cho khách hàng những điều tốt đẹp nhất bằng trái tim chứ không phải là lợi nhuận.
Đối với mọi thành viên May 10, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng “biến thách thức thành cơ hội, biến không thể thành có thể”, để đáp ứng mọi yêu cầu của thị trường và mọi khách hàng khó tính nhất.
Đối với Nhà nước, chúng tôi mong có cơ chế chính sách tạo ra mảnh đất để các DN (cái cây) luôn đâm chồi nẩy lộc.
PV: Cảm ơn TGĐ Nguyễn Thị Thanh Huyền với cuộc trao đổi này.
Hoàng Nguyễn (thực hiện)