Hàng năm, lượng trấu thải ra ở Việt Nam rất lớn, gần 11 triệu tấn, có nguy cơ trở thành chất thải gây ô nhiễm nguồn nước nếu đổ xuống sông, kênh rạch hoặc đốt thành tro gây ô nhiễm không khí. Trong khi đó, trấu là năng lượng sinh khối (Biomass) có thể tái chế được. Trước thực tế này, PGS.TS Bùi Trung Thành cùng các cộng sự của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ máy công nghiệp - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu tính toán, thiết kế chế tạo một dây chuyền công nghệ sử dụng trấu để cung cấp năng lượng cho các tổ hợp xay xát thóc (lúa) công suất 6-10 tấn/giờ”.
PGS.TS Bùi Trung Thành cho biết, mục tiêu của đề tài là tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt một dây chuyền khí hóa liên tục từ trấu thải ở các nhà máy xay xát năng suất 6-10 tấn/giờ nhằm vừa sử dụng dưới dạng năng lượng điện, cung cấp đủ công suất cho toàn bộ các phụ tải của nhà máy xay xát, vừa có thể sử dụng năng lượng dưới dạng nhiệt để sấy lúa phục vụ cho chính nhà máy xay xát.
Có thể hiểu, khí hóa trấu là quá trình đốt cháy trấu nhưng việc cung cấp không khí cho quá trình cháy được kiểm soát chặt chẽ để có thể giữ lại được khí sinh ra trong quá trình này và sử dụng dưới dạng nhiệt năng hoặc điện năng. Đây là giải pháp hiệu quả để tận dụng trấu. Công nghệ khí hóa trấu được nghiên cứu thành công từ lâu ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Úc… Tại Việt Nam, công nghệ này cũng được một số tổ chức, cá nhân trong nước nghiên cứu, tuy nhiên đa số ở quy mô nhỏ, dùng để cấp nhiệt sấy nông sản hoặc nấu ăn trong hộ gia đình.
Từ quá trình nghiên cứu, kết quả đạt được của đề tài là hệ thống khí hóa trấu tạo năng lượng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Cụ thể, tạo ra thiết bị gồm hệ thống buồng đốt khí hóa trấu liên tục, 1 tổ hợp sản xuất điện công suất 150 kW, 1 tổ hợp mạng nhiệt cung cấp nhiệt cho máy sấy lúa năng suất 7 tấn/mẻ, 1 tổ hợp máy sấy lúa kiểu tháp. Theo thiết kế, hệ thống khí hóa trấu cho nhà máy xay xát lúa công suất 6 - 10 tấn/giờ hoạt động trong 6 giờ cần sử dụng lượng trấu khoảng 1,5 tấn (250 kg/h) và tạo ra lượng khí có thể thay thế đến 60% lượng dầu diesel cần thiết. Cụ thể, tổng lượng dầu tiêu hao chỉ 78 lít/6 giờ hoạt động, ít hơn 2,4 lần nếu chỉ sử dụng dầu diesel để cung cấp năng lượng cho hệ thống xay xát hoạt động. Đặc biệt, mỗi năm vận hành dây chuyền thiết bị trấu khí hóa sẽ tạo ra 450.840 kW điện.
PGS.TS Bùi Trung Thành khẳng định, thiết bị của dây chuyền khí hóa trấu được nghiên cứu hầu như được chế tạo ở trong nước, tỷ lệ nội địa hóa đến 90%. Chất lượng sản phẩm khí tạo ra tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng công nghệ khí hóa trấu. Chỉ tiêu khí thải nơi đặt hệ thống và chỉ tiêu nước thải từ dây chuyền đạt tiêu chuẩn môi trường. Hơn nữa, giá thành của hệ thống thiết bị chỉ bằng một nửa so với sản phẩm nhập ngoại. Hiện hệ thống thiết bị của đề tài đã được ứng dụng tại Xí nghiệp Xay xát và Chế biến lương thực số 1 - Công ty Lương thực Tiền Giang. Ngoài ra, đã có thêm 5 doanh nghiệp tại các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ ký thỏa thuận đặt hàng chuyển giao sản phẩm.
PGS.TS Bùi Trung Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ máy công nghiệp - Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh: Thành công của đề tài đã làm thay đổi tư duy sử dụng nguồn năng lượng truyền thống bằng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải CO2 vào khí quyển, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả trong chế biến lúa gạo… |
Nguồn Báo Công Thương