Thứ Sáu, 22/11/2024 12:08:31 GMT+7
Lượt xem: 3456

Tin đăng lúc 03-11-2016

Bình nước nóng hiện đại cỡ nào, vẫn phải cảnh giác với nguy cơ điện giật

Dù bình nước nóng của gia đình bạn hiện đại tới cỡ nào, chuyên gia khuyên rằng, nhất định phải ngắt aptomat trước khi tắm.
Bình nước nóng hiện đại cỡ nào, vẫn phải cảnh giác với nguy cơ điện giật
Hiểu rõ cách sử dụng bình nóng lạnh để tránh tai nạn đáng tiếc

Sự mất an toàn khi sử dụng bình nóng lạnh như rò rỉ điện, cháy nổ đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nhưng  đến nay vẫn không ít vụ tai nạn xảy ra, thậm chí chết người.

 

“Nguy hiểm lớn nhất đối với người sử dụng là rò điện ra vỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân thanh điện trở bị han gỉ, bị thủng gây rò điện. Điện giật do bình nước nóng nguy hiểm gấp nhiều lần so với điện giật thông thường vì người sử dụng đang tiếp xúc trực tiếp với nước”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, bộ môn Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết.

 

GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biêt, bình nóng lạnh đã được tích hợp rất nhiều các tính năng an toàn như hệ thống kiểm soát an toàn TSS tích hợp thiết bị chống giật ELCB nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì nhất thiết phải ngắt điện trước khi sử dụng.

 

Theo ông Lợi, về nguyên lý, bình nóng lạnh có cấu tạo giống như ấm đun nước bằng điện, chỉ khác là có dung tích lớn với công suất thanh đun lớn hơn. Tuy nhiên, bình có trang bị thêm nhiều thiết bị, để có thể vận hành và bảo vệ tự động theo chế độ cài đặt của người sử dụng.

 

 Cháy nổ khi sử dụng bình nóng lạnh.

 

Bình nóng lạnh có bộ phận chứa nước thường được làm bằng nhôm dày, chịu được áp suất và áp lực cột nước lạnh cũng như hơi nước đã được đun nóng gây ra, được cách nhiệt xung quanh bằng bọt xốp Frolyurethane, còn bộ phận thanh điện trở có công suất 1,2 - 4 kw tuỳ theo dung tích và kiểu bình.

 

Ông Lợi cũng cho hay, bộ phận rơle điều chỉnh nhiệt độ nước dùng để điều chỉnh nhiệt độ nước theo yêu cầu sử dụng, thường từ nhiệt độ môi trường đến khoảng 85 – 95 độ C. Cũng giống như rơle nhiệt độ ở bàn là, nồi cơm điện hay tủ lạnh, rơle nhiệt độ ở bình nóng lạnh cũng có tác dụng tự ngắt khi nhiệt độ đủ cao và ngược lại sẽ đóng điện cấp cho thanh đun nếu nhiệt độ quá thấp.

 

 Nên bảo dưỡng bình nóng lạnh 1 năm 1 lần. Ảnh minh họa

 

Nhà khoa học này cho rằng, cũng giống như bất kỳ loại thiết bị khác, bình nóng lạnh sử dụng lâu ngày cũng dễ bị hỏng hóc, thanh điện trở dùng lâu ngày cũng có thể xảy ra hiện tượng bị bám lớp cặn dày, nhiệt độ thanh tăng cao làm cát thạch anh bên trong giãn nở gây nứt vỡ vỏ thanh điện trở và rò điện ra nước. Nên bảo trì thường xuyên để phát hiện sớm những hỏng hóc kịp thời khắc phục tránh những sự cô đáng tiếc xảy ra.

 

Tiến sĩ Lợi còn cho hay, một nguyên nhân nữa có thể xảy ra là khi sử dụng lâu ngày, vỏ thanh điện trở bị ăn mòn gây thủng ống và rò điện ra nước khiến người tiêu dùng có thể bị giật khi sử dụng bình nóng lạnh. Vì vậy, cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất là thay thanh đốt định kỳ 2 năm/1 lần và nên thay bình mới nếu đã sử dụng được 10 năm.

 

Ngoài việc lắp đặt theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, người tiêu dùng nên lưu ý thêm về mặt dây điện nguồn phải đạt từ 2,5 đến 6mm2 đáp ứng đúng công suất yêu cầu của thanh đun, aptomat đi kèm đủ công suất yêu cầu.

 

Đặc biệt bình nóng lạnh phải được nối dây tiếp đất để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, nhất là loại bình nóng nhanh. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến bình nóng lạnh rò điện là khả năng rò điện ra vỏ của rơle nhiệt độ.

 

"Để an toàn nhất thiết phải dùng dây nối đất cho bình. Trước khi sử dụng, nên bật bình nóng lạnh đun nóng nước và ngắt aptomat trước khi tắm hoặc sử dụng nước nóng", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết thêm.

 

Nguồn VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang