Loạn giá sữa bán lẻ
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cuc Quản lý giá (Bộ Tài chính) - dù giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi được giữ ổn định suốt hơn 1 năm qua nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn, biến động bất thường.
Khảo sát tại một số cửa hàng sữa bán buôn ở Hà Nội, 25 mặt hàng sữa của 5 hãng sữa bị áp giá trần theo quy định của Bộ Tài chính đã tuân thủ khá nghiêm túc giảm giá bán lẻ sữa cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải cửa hàng sữa nào cũng giảm giá bán lẻ. Một số chủ cửa hàng tiết lộ, do nhiều cửa hàng nhỏ lẻ nhập sữa từ nguồn không chính thức nên không được công ty áp giá trần hỗ trợ để giảm giá, thế nên họ không thể giảm giá bán cho khách hàng.
Ngoài sự không ổn định về giá trên thị trường, hiện tại giá bán sữa công thức dành cho trẻ em tại Việt Nam cao hơn sản phẩm cùng loại trong khu vực Đông Nam Á. Thừa nhận tình trạng trên, theo ông Tuấn, căn cứ tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao), hiện giá bán trung bình của mặt hàng nói trên tại Việt Nam là 16 USD. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá trung bình chỉ 14 USD và Indonesia chỉ có 9,5 USD... Giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực từ 2- 6,5 USD/kg.
Lý giải về sự chênh lệch đó, ông Tuấn cho rằng, nguồn nguyên liệu và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu nên gây nhiều khó khăn trong kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sữa.
Quyết liệt bình ổn
Để tiếp tục ổn định giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và DN, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2016.
Hiện tại, các DN sản xuất, kinh doanh sữa đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ tiếp tục giảm giá sữa, đưa mức giá cạnh tranh tới tay người tiêu dùng. Theo đó, 50 sản phẩm sữa đã thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính được xác định giá tối đa giảm từ 14 - 18%, so với mức giá bán buôn đang thực hiện trước thời điểm ban hành Quyết định 1079/2014/QĐ-BTC ngày 20/5/2014.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) - cho hay, nhiều sản phẩm sữa sẽ phải giảm giá bán lẻ từ 10 - 21% so với hiện tại. Các DN phải tự xác định tất cả chi phí để có thể thực hiện giá trần quy định. Với những sản phẩm mới, DN phải đăng ký, trao đổi, làm việc với cơ quan nhà nước làm rõ chi phí. Trường hợp nếu việc áp giá trần khiến DN bị lỗ, cơ quan quản lý sẽ xem xét điều chỉnh.
Trước lo ngại về việc DN sữa có thể “lách” bằng cách thay đổi mẫu để ra khỏi danh mục áp giá trần, ông Nghĩa khẳng định, Bộ Tài chính đã lường trước tình huống này, với trường hợp đó, Bộ đã quy định bất kỳ nhãn sữa mới nào đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định, sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký giá, Bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, tính đến nay đã có 20 công ty sản xuất, nhập khẩu sữa trên địa bàn thành phố xác định giá tối đa, đăng ký giá 174 sản phẩm, trong đó có 11 công ty đăng ký giá bán 57 sản phẩm mới trên thị trường sau ngày 20/5/2014. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử