Vừa qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thịt lợn – Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - nêu quan điểm, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu, được sử dụng hàng ngày trong đời sống. Trong bối cảnh dịch Covid- 19, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, người lao động phải nghỉ việc, bị giảm hoặc không có thu nhập thì nhiều tháng nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao. Nhiều gia đình đã phải cắt giảm mức tiêu dùng thịt lợn.
Điều đáng nói, khi người chăn nuôi gặp khó khăn thì người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ, nhưng nay người tiêu dùng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa được người chăn nuôi chia sẻ. “Cách đây hơn 3 năm, phần lớn đầu ra sản phẩm chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc, khi thương lái ép giá, lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg, thậm chí giữa năm 2017, rớt giá xuống còn trên dưới 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi bị lỗ nặng. Trước tình hình đó, hưởng ứng kêu gọi, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn, góp phần giải cứu cho người chăn nuôi”, ông Hùng nói.
Theo khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện giá thịt lợn tại siêu thị Vinmart trên đường Xuân Diệu (Hà Nội): thịt ba rọi giá 209.000 đồng/kg, thịt thăn 206.000 đồng/kg; thịt lợn sạch, ba rọi 286.900 đồng/kg, sườn thăn 295.000 đồng/kg. Tại các chợ dân sinh Hà Nội như: Nguyễn An Ninh, chợ phiên Nghĩa Đô, chợ tạm Hoàng Cầu, giá thịt nạc vai 165.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg.
Nguyên nhân nào dẫn đến giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay? Có một nghịch lý là dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài cho đến nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, vì đây là mặt hàng nằm trong giỏ hàng hóa để tính CPI. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân quý I/2020, giá thịt lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019; góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý I/2020.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg, về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lãi 25.000 đồng/kg; tăng thêm 10.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày; tăng thêm 20.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 180 tỷ đồng/ngày. Như vậy, vẫn còn dư địa để giảm giá bán lợn hơi, trên cơ sở đó giảm giá bán lẻ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một vấn đề nữa được đặt ra đó là nhiều tiểu thương cho biết, tuy doanh nghiệp công bố từ 1/4/2020 hạ giá bán lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhưng họ rất khó tiếp cận nguồn hàng. Vậy có hay không việc doanh nghiệp hạn chế nguồn cung để tạo ra khan hiếm giả tạo.
Thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước, sau dịch tả lợn châu Phi, hầu hết con giống, lợn nái do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nắm giữ. Giá bán lợn giống được đẩy lên 2,5-3 triệu đồng/con, cao gấp 3 lần so mức thông thường. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số lượng đàn nái, con giống tại từng doanh nghiệp và tìm hiểu tại sao con giống được bán với mức cao như vậy. Việc này vì lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng cũng như nhà nước, bởi lẽ việc phát triển nguồn cung trong nước vẫn cần đặt lên hàng đầu. Không để việc cung ứng con giống rơi vào thế độc quyền.
Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho hay, việc giá lợn tăng cao chỉ một bộ phận người chăn nuôi được hưởng lợi. Rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đang tái đàn ồ ạt, điều này rất rủi ro trong dài hạn. Bởi chi phí chăn nuôi đang cao, nhưng liệu 5 - 6 tháng nữa liệu giá lợn có cao để bù đắp chi phí?
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, ngay cả các tiểu thương bán lẻ ngoài chợ cũng gặp khó khăn. Họ nhập cao thì giá bán ra cũng sẽ cao, nhưng giá cao thì bán sẽ ế, như vậy họ bị ảnh hưởng nhiều.
Chỉ ra những nguy cơ nếu giá thịt lợn vẫn neo cao như hiện nay, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính phủ sẽ cho phép đẩy mạnh nhập khẩu bù đắp nguồn cung, nếu việc nhập khẩu này đến một lúc nào đó tạo thành thói quen tiêu dùng, khi người tiêu dùng chỉ sử dụng thịt nhập khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ mất sân nhà.
“Sự bất ổn giá lợn hơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù giảm sâu hay tăng mạnh thì người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Người tiêu dùng hầu như không được hưởng, người sản xuất trực tiếp cũng không được hưởng”, ông Hoàng Văn Cường nói.
Tuy nhiên, theo ông Cao Xuân Quảng - Trưởng Phòng bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), có rất ít khiếu nại của người dân về việc vì sao chúng tôi phải mua thịt lợn với giá đắt.
Để bảo vệ người tiêu dùng, ông Cao Xuân Quảng cho rằng, việc xây dựng cơ chế để công bố minh bạch các thông tin về thị trường thịt lợn là cần thiết. Theo đó, các Bộ, ngành như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an… cùng phối hợp, xây dựng trang thông tin điện tử, đường dây nóng, buộc kê khai hoặc quản lý giá đối với mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…
Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường thịt lợn phát triển, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh. Về phía người tiêu dùng, cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan và đưa ra các quyết định tiêu dùng thông minh. Cân đối tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để vừa bảo đảm dinh dưỡng và tránh áp lực chi phí cao. Không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, chủ động tố cáo tới các cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm.
Theo Báo Công Thương