Nhận diện thách thức
Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tổng công suất đặt hệ thống điện đến năm 2030 là 150,489 GW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW); tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW.
Như vậy, chỉ trong 7 năm, chúng ta phải hoàn thành hơn 70 GW nguồn điện, trong đó, riêng điện khí, điện gió ngoài khơi chiếm gần 50% tổng công suất tăng thêm. Đây là thách thức không hề nhỏ, đặc biệt có nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa có quy định trong pháp luật hiện hành. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc cung cấp điện cho đất nước, an ninh năng lượng quốc gia và nhiều vấn đề kinh tế khác, trong bối cảnh phụ tải tiếp tục tăng và các yêu cầu chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí cần khoảng thời gian từ 7 - 8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc khảo sát. Chia sẻ thêm về những khó khăn trong đầu tư điện khí, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết: Hiện, chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện… Tất cả các vướng mắc trên đã gây nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án dịch vụ, hạ tầng cho điện khí (kho, cảng…) cũng đang gặp khó khăn.
Nhận diện được những khó khăn thách thức như vậy, với vai trò là bộ quản lý ngành, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của doanh nghiệp; tham khảo ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội, chuyên gia kinh tế - năng lượng hàng đầu của đất nước… Qua đó, tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo, đề xuất giải pháp trình Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn xem xét sớm quyết định.
Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương cũng đã tham gia, đóng góp ý kiến tại hàng chục hội thảo, hội nghị, toạ đàm về điện khí, điện gió ngoài khơi do các cơ quan, đơn vị tổ chức. Theo đó, ngày 24/6/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với 10 tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để thông tin, thảo luận, thống nhất các định hướng giải quyết quyết những khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án.
Tiếp đến, ngày 15/12 và ngày 25/12, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức cuộc họp với sự tham gia của một số ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, các đơn vị chức năng, doanh nghiệp năng lượng, đặc biệt là hơn 20 chuyên gia kinh tế - năng lượng đầu ngành tại Việt Nam nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế thúc đẩy tiến độ các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi. Tại các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của năng lượng điện nói chung cũng như nguồn điện khí, điện gió ngoài khơi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cam kết quốc tế. Việc phát triển hai nguồn điện này sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hòa carbon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Tuy nhiên, hiện, điện khí gặp 3 vướng mắc chính: Cơ chế bao tiêu sản lượng điện tối thiểu; cam kết giá khí; mua khí hóa lỏng dài hạn. Đối với điện gió ngoài khơi, đang gặp 4 vướng mắc chính gồm các quy định về khảo sát, điều tra, đo đạc trên biển để lập dự án; chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia; chưa có quy định rõ về vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế giá mua - bán điện, bao tiêu sản lượng điện.
Cần sớm có giải pháp, cơ chế
Tại các cuộc họp, các bộ, ngành, chuyên gia đã đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Bộ Công Thương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao; chủ động xây dựng giải pháp, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cũng như tham vấn ý kiến từ các chuyên gia nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các dự án nguồn điện khí, điện gió ngoài khơi, dự thảo chiến lược sản xuất hydrogen. Các ý kiến cũng nêu bật những khó khăn, thách thức mà nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp cấp bách, kịp thời, đặc biệt, những nhiệm vụ, mục tiêu lớn về phát triển năng lượng, rất khó hoàn thành.
Các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đều thống nhất: Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực...), văn bản quy phạm pháp luật, do vậy, Bộ Công Thương cần có báo cáo trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải pháp kịp thời. Đồng thời, đề nghị phải đẩy mạnh công tác truyền thông để cho xã hội và các cơ quan quản lý hiểu được sự quan trọng, cần thiết trong triển khai thực hiện.
TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - khẳng định: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ quản lý của ngành. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó cần có sự tham gia của các bộ, ngành. Do đó, cần lập nhóm chuyên gia của các bộ, ngành rà soát chính sách liên ngành cùng với các chuyên gia độc lập để có đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật thống nhất.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, cần có tư duy, cách tiếp cận mới đối với ngành năng lượng, nhất là sớm có cơ chế mới phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và quốc tế, nhất là cơ chế giá năng lượng.
Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay, trong đó, có điện khí, điện gió ngoài khơi rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt. TS. Lê Đăng Doanh đề xuất lập nhóm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế - năng lượng… để giải quyết những vấn đề trên.
Ủng hộ quan điểm về cơ chế giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - nhấn mạnh: Nếu để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay, không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII cũng như của ngành đề ra, nhất là trong mua - bán với quốc tế. Do vậy, cần sửa đổi Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng, tính đủ, tạo điều kiện khuyến khích, thu hút đầu tư; có chính sách giảm thuế, phí để hạ chi phí...
Từ báo cáo của doanh nghiệp, ý kiến góp ý của chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Điện khí và điện gió ngoài khơi rất quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Thống nhất rằng, đây là vấn đề “khẩn trương, cấp bách và đặc thù”. Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, trình cấp thẩm quyền cao hơn để có cơ chế chính sách giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện nêu trên.
Theo Congthuong.vn