Thứ Ba, 26/11/2024 02:31:11 GMT+7
Lượt xem: 1836

Tin đăng lúc 20-07-2018

Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ triển khai chính phủ điện tử

Ngày 19/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp về Chính phủ điện tử, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.  
Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ triển khai chính phủ điện tử
Toàn cảnh cuộc họp

Nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Công Thương

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chính phủ điện tử là bước đi đầu tiên, nền tảng rất quan trọng để phát triển kinh tế số. Thủ tướng chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng chính phủ điện tử. Đặc biệt, đối với Bộ Công Thương, việc xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ luôn được ưu tiên và được đẩy mạnh. Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng những kế hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

 

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa cao trong triển khai chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương. Chẳng hạn, hạ tầng phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử chưa được bài bản, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn của các đơn vị; đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử còn hạn chế…

 

Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chính phủ điện tử như của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), của Tổ chức Liên Hợp quốc (UN) hay Hiệp hội Hành chính Hoa Kỳ (ASPA). Tuy nhiên, định nghĩa được nhiều người nhắc đến nhất đó là, chính phủ điện tử được coi là việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thông tin vào công tác điều hành của chính phủ và tương tác của chính phủ đối với các thành tố khác trong xã hội như người dân và doanh nghiệp nhằm mục đích phân phối dịch vụ trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp không giới hạn thời gian, địa điểm. Do đó, để đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong thời gian tới, bên cạnh việc đưa các dịch vụ công trực tuyến vào phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin – tiền đề để xây dựng và đẩy mạnh chính phủ điện tử cần phải được lưu tâm hơn nữa.

 

Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này, Vụ có 21 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó năm 2017 đã đăng ký đưa lên 4 dịch vụ công trực tuyến, năm 2018 tiếp tục đăng ký 9 dịch vụ công trực tuyến và đã xây dựng kế hoạch đến 2020, sẽ đưa toàn bộ 21 thủ tục hành chính này lên cấp độ 3, 4. Vấn đề chất lượng dịch vụ công trực tuyến, Vụ sẽ rà soát và tìm ra các đặc thù của từng lĩnh vực để có những điều chỉnh cụ thể, kịp thời.

 

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ

 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số rà soát lại toàn bộ các văn bản Bộ Công Thương đã ban hành về kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời, tiếp thu những chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Chính phủ trong việc xây dựng chính phủ điện tử, để xây dựng một chương trình, kế hoạch với những mục tiêu, yêu cầu cụ thể trong các năm từ 2018 đến 2020.

 

Bên cạnh đó, phải nghiên cứu và có kế hoạch xây dựng hạ tầng về công nghệ thông tin, đảm bảo có tính kết nối, liên thông an toàn, đảm bảo nền tảng cho phát triển dịch vụ công trực tuyến, nâng dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, 4 trong thời gian tới.

 

Đồng thời, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp với Văn phòng Bộ có kế hoạch khảo sát, để củng cố, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Bộ đảm bảo đáp ứng tất cả thông tin trong các lĩnh vực; khẩn trương rà soát các nội dung về chữ ký số, chứng thực chữ ký số, chứng thực an toàn trong các giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

 

Đặc biệt, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cần soạn thảo văn bản quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Bộ về xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng làm Trưởng ban, hai Thứ trưởng làm Phó trưởng Ban chỉ đạo và thành phần gồm thủ trưởng các đơn vị, trong đó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là thường trực của Ban chỉ đạo này. Ngoài ra, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trưởng xây dựng hoàn thiện các quy trình xử lý liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, quy trình phần mềm quản lý các đơn vị đảm bảo sự tương tác, an toàn của hệ thống…

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang