Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:26:38 GMT+7
Lượt xem: 1374

Tin đăng lúc 18-11-2021

Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp
Luật quy định về các chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng, trọng điểm tại Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phát triển công nghiệp (điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm theo định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị) sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Các nội dung của Luật bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.

 

Điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên

 

Theo dự thảophạm vi của Luật Phát triển công nghiệp là chỉ điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, gồm:

 

a) Công nghiệp hỗ trợ;

 

b) Công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm);

 

c) Công nghiệp cơ khí;

 

d) Công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng;

 

đ) Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

 

Cụ thể, Luật sẽ quy định về các chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng, trọng điểm tại Việt Nam.

 

Đề xuất chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp

 

Doanh nghiệp công nghiệp muốn phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của các sản phẩm ngành công nghiệp chính, cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất.

 

Việc vay vốn từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, là không dễ dàng đối với các doanh nghiệp công nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có chính sách hỗ trợ tín dụng đủ mạnh từ phía Nhà nước để các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất…

 

Do vậy, dự thảo đề xuất các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp như sau: Phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến, kết nối thị trường.

 

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tiềm năng và doanh nghiệp dẫn đầu, thông qua chính sách khuyến khích mua bán và sáp nhập, phát triển thị trường quốc tế. Thành lập các Quỹ tái cấu trúc doanh nghiệp công nghiệp để cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp kém hiệu quả.

 

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất chính sách “Quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp”.

 

Dự thảo Luật quy định rõ phân cấp thẩm quyền trong quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, trong đó kèm theo các điều kiện về công nghệ, nghiên cứu và phát triển; nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của dự án; nâng cao giá trị sản xuất trong nước và đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ cao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… sẽ có tác động bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển công nghiệp, từ đó kéo theo việc phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, các hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo cơ hội nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm hoàn chỉnh.

 

Giải pháp thực hiện chính sách là quy định các chính sách về quản lý đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, cụ thể: Ưu đãi cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong công nghiệp; quản lý tỉ lệ sở hữu nước ngoài; ưu đãi đầu tư đặc biệt cho phát triển công nghiệp; đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt; nội dung ưu đãi đầu tư đặc biệt.

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang