Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2018, xuất khẩu tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan.
Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng tiếp tục có thuận lợi từ những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây.
Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt.
Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2017; năng lực sản xuất và khả năng xuất khẩu năm 2018; đồng thời đề xuất giải pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức 2 buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng (nhóm nông, thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến) ngay trong tháng 4 năm 2018 để nắm bắt tình hình sản xuất - xuất khẩu, khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Trên cơ sở các giải pháp, định hướng lớn của Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp; nhận định bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2018, đặc biệt là những hạn chế cần khắc phục trong hoạt động xuất khẩu, tại báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày tại Hội nghị, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018. Các giải pháp này được chia thành 3 nhóm lớn.
Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: gồm các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt ``khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: gồm các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.
Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: gồm các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.
Nguồn Enternews