Thứ Hai, 25/11/2024 04:50:56 GMT+7
Lượt xem: 924

Tin đăng lúc 26-04-2021

Bộ Công Thương: Đồng hành bảo vệ thương hiệu gạo ST25

Trước thông tin 4 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương nhấn mạnh: Bộ Công Thương không thể hỗ trợ trực tiếp nhưng có thể tư vấn, đồng hành cùng nhà sản xuất đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ thương hiệu không chỉ cho gạo ST25 mà cho cả các thương hiệu sản phẩm khác của Việt Nam.
Bộ Công Thương: Đồng hành bảo vệ thương hiệu gạo ST25
Bộ Công Thương đồng hành đăng ký và bảo vệ thương hiệu gạo ST 25 và các thương hiệu các sản phẩm khác của Việt Nam

Gạo ST25 chưa mất thương hiệu

 

Trao đổi với truyền thông, ông Vũ Bá Phú cho hay: Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra", của 4 doanh nghiệp. Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ. Hồ sơ đăng ký là bảo mật nên chúng tôi không biết doanh nghiệp này nộp hồ sơ từ bao giờ. Nhưng quy trình là 6 tháng, nếu sau thời gian quy định không có khiếu nại thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp quyền bảo hộ.

 

“Cục XTTM đã liên hệ trực tiếp với ông Hồ Quang Cua- cha đẻ của gạo ST25, đồng thời giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, năng lực về vấn đề này”, ông Vũ Bá Phú thông tin thêm.


Để giữ được thương hiệu, theo ông Vũ Bá Phú, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự. Tuy nhiên doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu, chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.

 

Đồng hành bảo vệ thương hiệu sản phẩm của Việt Nam

 

Câu chuyện của gạo ST25 không phải mới mà phổ biến ở thương mại quốc tế. Ngay tại Việt Nam cũng đã từng có thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong nước bị đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên… Do vậy, bảo vệ thương hiệu không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn rất cần sự chủ động của doanh nghiệp.

 

Với Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú cho hay: Bộ đã nỗ lực tạo hệ sinh thái XTTM giới thiệu chuyên gia thương hiệu, luật sư, giữa các doanh nghiệp với nhau để cùng đồng hành xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhất là tại các thị trường nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ sẽ gia tăng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu. Giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, đăng ký bảo hộ kịp thời.

 

Hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thông qua mạng lưới chuyên gia, sẽ giới thiệu chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp thương mại quốc tế, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm cho các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu ở những thị trường trọng điểm.

 

Khi có nguy cơ xảy ra tranh chấp, xâm hại thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu thương mại, Bộ Công Thương thông qua hệ thống tham tán tại nước ngoài, hệ thống thông tin từ các chuyên gia quốc gia nắm bắt kịp thời nguy cơ xâm hại bảo vệ sở hữu trí tuệ và thương hiệu Việt Nam để cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xử lý.

 

Cục trưởng Cục XTTM thông tin thêm: Hàng năm trong khuôn khổ chương trình XTTM, thương hiệu quốc gia Bộ sẽ đề xuất hoạt động quảng bá thương hiệu cho các ngành, hàng. Chúng tôi cũng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng liên quan đăng ký bảo hộ thương hiệu ngành hàng (cà phê, thực phẩm…) trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm và đưa ra khuyến nghị nên đăng ký nhãn hiệu thương hiệu ở thị trường này.

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới xem xét, thí điểm giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp các quy định của WTO.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang