Thứ Ba, 26/11/2024 11:14:43 GMT+7
Lượt xem: 870

Tin đăng lúc 18-06-2021

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý II/2021

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2021 của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 17/6/2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi được các cơ quan báo chí quan tâm.
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý II/2021

Cũng tại cuộc họp, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã gửi đến tất cả các nhà báo, phóng viên theo dõi ngành Công Thương nói riêng và đội ngũ những người làm công tác truyền thông cả nước nói chung lời tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Thương mại duy trì đà tăng trưởng tích cực

 

Thông tin nhanh tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu 5 tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu phục hồi; một số quốc gia đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 và đạt được những kết quả bước đầu đã thực hiện dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa bình thường trở lại, khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại.


 
So với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực.

 

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh, thành phố có các Khu công nghiệp lớn.

 

Hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.

 

Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả người dân trong vùng có dịch hoặc bị phong tỏa; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại của sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại. Cụ thể, việc dịch Covid-19 bùng phát ở các khu công nghiệp lớn đã có những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong nước, tác động tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh, một số địa phương thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng của nhân dân giảm sút, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa.

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, đến thời điểm hiện nay, phát triển các ngành công nghiệp và thương mại cơ bản đã và đang bám sát theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 38% kế hoạch năm; xuất khẩu đạt hơn 44% kế hoạch năm và tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp đang ở mức cao hơn so với Kế hoạch, 5 tháng tăng 9,9% (kế hoạch 8%).

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất tiếp tục được duy trì tăng khoảng 9% (kế hoạch cả năm tăng 8%); kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 21,7% (kế hoạch cả năm tăng 4-5%); tổng mức bán lẻ hoàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1% (kế hoạch cả năm tăng 8%).

 

Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

 

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ…, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành Công Thương tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau: 

 

Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; 

 

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử; 

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh mẽ để chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, lũng đoạn thị trường hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm ổn định thị trường, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp; 

 

Bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh; 

 

Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân; 

 

Thúc đẩy xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới…

 

Gần 1.300 tỷ đồng hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3

 

Thông tin tại họp báo về vấn đề giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3, ông Trần Tuệ Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch COVID-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong năm 2020 khoảng  gần 12.300 tỷ đồng, cụ thể:

 

- Đợt 1 thực hiện từ ngày 16 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 16 tháng 7 năm 2020 đã hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng.

 

- Đợt 2 thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020 đã hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

 

Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.

 

Từ cuối tháng 4 năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước. Trên cơ sở phân tích đánh giá lựa chọn các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, xem xét khả năng cân đối tài chính của EVN nhằm đảm bảo việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3. Sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các Tổng công ty Điện lực và các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để thực hiện ngay việc hỗ trợ việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 năm 2021 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm 2021 cho các đối tượng cụ thể sau:

 

- Giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật Du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất, quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. 

 

- Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí. 

 

- Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

 

Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 không thu phí được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực. 

 

Sau thời gian hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nêu trên, các đơn vị bán lẻ điện tiếp tục áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương hoặc tại quy định khác thay thế.

 

Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt này khoảng 1.200 đến 1.300 tỷ đồng.

 

Tích cực hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản

 

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, thời gian vừa qua, các nhà báo cũng đã hỗ trợ và đồng hành cùng Bộ Công Thương, đặc biệt là với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan trong việc lan toả thông tin hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản, nhất là trong chiến dịch cao điểm vừa qua, hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tiêu thụ sản phẩm vải thiều.

 

“Hàng năm, Bộ Công Thương đều phối hợp và triển khai tổng thể các giải pháp để hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, để hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08 ngày 25/5/2021 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương”, ông Hoàng Minh Chiến cho hay.

 

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị của Bộ đã trao đổi với các địa phương để tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất và sản lượng mùa vụ nông sản và nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại cụ thể của từng địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là khi đến mùa vụ.

 

Cùng với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành (như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải...), chính quyền các địa phương đã cùng vào cuộc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản. 

 

Trong chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ cho trái vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương vừa qua, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, đây là lần đầu tiên áp dụng thí điểm ứng dụng và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm này. Dù mới thực hiện nhưng đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các địa phương, các doanh nghiệp thu mua và cả các thị trường nước ngoài (Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

 

Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã tác động tích cực đến ngành mía đường

 

Liên quan tới tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng đường mía Thái Lan, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía của Thái Lan được Bộ Công Thương khởi xướng từ tháng 9 năm 2020 trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất trong nước. Việc này đã được Bộ Công Thương tiến hành một cách khẩn trương theo đúng các quy định của Luật Quản lý ngoại thương cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

 

Sau một thời gian điều tra, tới ngày 09/02/2020, Bộ Công Thương đã có Quyết định 477 về việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Sau khi có quyết định sơ bộ, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường và các đơn vị liên quan thực hiện các bước điều tra tiếp theo. 

 

Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1578 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Bộ Công Thương đã xem xét kỹ lưỡng việc phá giá hay trợ cấp của phía Thái Lan thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, tác động kinh tế xã hội, kể cả tác động tới các doanh nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm đường mía.

 

Kết quả điều tra cho thấy, đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã bán phá giá ở mức 42,99 %, được trợ cấp mức 4,65 %. Tổng cộng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64 %. 

 

Nguyên nhân chính của việc ngành mía đường trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian qua là do lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan gia tăng đột biến lên tới 1,3 triệu tấn năm 2020 và tăng 330,4% so với năm 2019. 

 

Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tác động kinh tế xã hội và ý kiến của các bên liên quan cũng như cân đối tình hình cung cầu, Bộ Công Thương đã ban hành áp thuế và quyết định áp thuế chính thức. Kể từ khi áp thuế sơ bộ (2/2021), Bộ Công Thương đánh giá, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường.

 

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110 nghìn tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28 nghìn tấn, giảm 75%. Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía. 

 

Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, các cơ quan báo chí và của nhiều đơn vị sản xuất thì tại nhiều địa phương, người nông dân đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ 2021 – 2022 sắp tới. Bên cạnh đó, cung - cầu trên thị trường được ổn định, giá đường trong nước có nhích lên nhưng trong mức độ chấp nhận được và cũng trong phương án tính toán. Tất cả các yếu tố mục tiêu, chính sách đề ra cũng đã đạt được. “Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nhập khẩu với tác động biện pháp này để có các biện pháp phù hợp, đảm bảo hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường theo đúng quy định”, ông Lê Triệu Dũng cho hay.

 

Khuyến cáo người tiêu dùng kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm

 

Liên quan đến tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả trong giai đoạn dịch bệnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho hay, thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tình hình gian lận thương mại diễn ra tinh vi hơn, với những mặt hàng đa dạng hơn. Do nhu cầu lớn, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm xách tay thẩm lậu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán trong thị trường nội địa. Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, đối với những mặt hàng trên, phải được Bộ Y tế cấp phép, kiểm nghiệm thì mới có hiệu lực.

 

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin, hiện nay online là kênh tiêu thụ, kênh quảng cáo rất phổ biến. Từ đầu năm đến nay, vấn đề gian lận thương mại với các mặt hàng không chỉ có các thiết bị y tế mà các mặt hàng từ tiêu dùng, rồi cả thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ... chủ yếu vi phạm trên môi trường online, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook và zalo. Lực lượng QLTT đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để có phương án điều tra, xác minh và xử lý. “Đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi đặt mua các sản phẩm, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc xuất xứ và xem có được cấp phép của Bộ Y tế hay không”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khuyến cáo.

 

Đồng bộ các giải pháp cho xuất khẩu bền vững 

 

Về vấn đề xuất khẩu bền vững, trả lời tại họp báo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ, xuất khẩu (XK) bền vững là vấn đề đã được đưa ra từ lâu và là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế. Đối với giải pháp để XK bền vững, ông Trần Thanh Hải cho rằng, XK liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Do đó, việc tạo được nguồn hàng ổn định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, XK theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

 

Vấn đề thứ hai là rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Cùng với việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại phi thuế và việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào này cũng là việc quan trọng.

 

Tiếp theo là việc đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

 

Đối với hoạt động thương mại biên giới, các địa phương biên giới cần đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. 

 

Bên cạnh đó là các giải pháp về thuế, lao động, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính… Hiện nay các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá rất cao về việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là hoạt động cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.

 

Hơn nữa, chúng ta cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…

 

“Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về XK bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này” - ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Theo MOIT


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang