Thứ Ba, 26/11/2024 13:31:42 GMT+7
Lượt xem: 2742

Tin đăng lúc 15-03-2019

Bộ Công Thương họp khẩn về dịch tả lợn châu Phi

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu thịt lợn khi dịch bệnh đi qua.
Bộ Công Thương họp khẩn về dịch tả lợn châu Phi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại cuộc họp

Theo báo cáo nhanh của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh, tính đến chiều ngày 14/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 16 địa phương và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Tổng cục xác định các nguyên nhân, gồm thứ nhất do sự gia tăng của tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Thứ hai, do cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam. Thứ ba, do lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...). Thứ tư, phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

 

 

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh báo cáo về sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi

 

Trong những ngày qua, Tổng cục QLTT đã huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của UBND tỉnh, thành phố. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường  thu thập thông tin, nắm tình hình, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; vận dụng các chế tài, biện pháp xử lý mạnh đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm. Đồng thời, xử lý tiêu huỷ toàn bộ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch; trước khi tiêu huỷ, lực lượng QLTT phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch, Thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

 

Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát lực lượng QLTT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh lực lượng QLTT thời gian đã chủ động triển khai kịp thời trong công tác phòng chống dịch bệnh. Mặc dù công tác cán bộ chưa hoàn tất nhưng lực lượng QLTT đã rất kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn, đề ra các yêu cầu cụ thể cho các địa phương thực hiện. Các yêu cầu trong nhiệm vụ này đã bám sát thực tiễn trong các hoạt động thương mại nói chung và hoạt động thương mại về lợn, sản phẩm thịt lợn nói riêng. Chính vì vậy, có thể nói, những đóng góp chung của Quản lý thị trường đã tạo thuận lợi cho các đơn vị chức năng khác ngăn chặn sự lây lan, phát triển của dịch tả lợn châu Phi. 

 

Bộ trưởng cũng hoan nghênh các đơn vị khác trong Bộ như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ động phối hợp với Tổng cục QLTT và các đơn vị khác thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ đề ra: như ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, tiêu hủy xử lý dịch bệnh, đảm bảo cân đối, bình ổn thị trường, đảm bảo đời sống tinh thần, tâm lý của người dân để không ảnh hưởng đến CPI, không ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của người dân.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: "Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, dù chúng ta đã rất quyết liệt với sự vào cuộc của các Bộ, ngành song với số lượng 16 tỉnh thành đã có dịch bệnh và đang có nguy cơ tăng nhanh, chúng ta không thể chỉ dừng ở những giải pháp đã nêu vừa qua".

 

"Chúng ta phải đi vào thực chất đánh giá, có những kiến nghị với những giải pháp mới mang tính quyết liệt hơn” Bộ trưởng nhấn mạnh

 

 

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu:

 

Thứ nhất, tất cả lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong Bộ, Tổng Cục QLTT cần quán triệt, nhận thức rõ các yêu cầu trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở đúng mức độ của nó. "Nếu làm không tốt, nó sẽ là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến cả những hoạt động sản xuất, kinh doanh của bộ phận lớn người nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân và các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, CPI" Bộ trưởng nhấn mạnh. Nhưng nguy cơ lớn hơn hết là ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe người dân, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, phải tập trung quán triệt cho tất cả các cấp nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ giao cho các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương.

 

Thứ hai, Bộ trưởng đề nghị Tổng Cục QLTT phải tổ chức ngay đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá việc tổ chức triển khai nhiệm vụ của quản lý thị trường cũng như phối hợp với các đơn vị quản lý trong bộ và các đơn vị chức năng khác kiểm soát, phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở một số địa bàn, trước hết là ở các địa phương có dịch tả lợn có quy mô và điểm dịch lớn. Trọng tâm, trước hết là ở các địa phương đang có dịch tả lợn, có nguy cơ lan nhanh; các địa phương có đường biên giới với các nước có dịch tả lợn và nguy cơ bùng phát dịch tả lợn. 

 

“Tôi đề nghị trước mắt tổ chức hai đoàn công tác, một là do Thứ trưởng Đặng Hoàng An và hai là do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đi kiểm tra và cần thực hiện ngay trong tháng 3 năm 2019” Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng nêu rõ, nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra phải căn cứ, đối chiếu với những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt là hai công điện của Thủ tướng và đề án về Phòng chống dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, phải tổ chức kiểm tra đánh giá cụ thể việc triển khai tại các địa phương; Phối hợp với các đơn vị chức năng khác để thực hiện nhiệm vụ; Phải có đánh giá để xem những tồn tại đang vướng mắc, trên cơ sở diễn biến thực tế tại các địa phương phải làm rõ những nguyên nhân, nguy cơ lan tỏa ra các địa phương khác.

 

Thứ ba, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Tổng cục QLTT phối hợp với Văn phòng Bộ khi tổ chức những cuộc họp liên quan đến dịch tả lợn châu Phi phải bố trí đầy đủ các thành phần tham dự để đánh giá đầy đủ tình hình nhiễm dịch bệnh tại địa phương, những tác động ảnh hưởng đến thị trường, những nguy cơ lây lan qua hoạt động thương mại, qua biên giới và hoạt động xuất nhập khẩu để từ đó thống nhất báo cáo lãnh đạo Bộ đề xuất những phương án và những giải pháp trong thẩm quyền trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương cũng như chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đề xuất những giải pháp cụ thể. Cần thiết, có đánh giá cụ thể những nguy cơ từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ thịt lợn kể cả thương mại và phi thương mại vào Việt Nam.

 

Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ chủ động phối hợp với đoàn công tác cũng như Tổng cục QLTT tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông, đảm bảo nhận thức chung của các đơn vị trong Bộ Công Thương, công chức của ngành Công Thương cũng như sự hiểu biết chia sẻ, đồng thuận chung của các Bộ, các lực lượng chức năng khác trong xã hội để tạo ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể chống và phòng dịch tả lợn châu Phi hiệu quả. Nhưng đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền để đảm bảo cho phát triển bền vững của thị trường đối với sản phẩm thịt lợn dưới góc độ của cả người tiêu dùng cũng như thành phố sản xuất trong chế biến kinh doanh.

 

Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục QLTT cần tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, rà soát lại các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT trong thời gian qua để có biện pháp chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường tại các địa phương. Bộ trưởng đề nghị, sau khi Đoàn đi kiểm tra, đánh giá thực tế tại các địa phương, Tổng Cục QLTT phải xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo để các Cục QLTT ở các địa phương có thể phát huy tốt hơn nữa chức năng, trách nhiệm của mình trong phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, thực hiện triệt để, gắt gao các biện pháp để kiểm soát tình hình nhất là tại các vùng có dịch bệnh nặng và đang có nguy cơ lây lan nhanh. Đảm bảo phải cô lập những vùng có dịch bệnh, ko lây lan sang những vùng khác.

 

Ngoài việc phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ở địa phương tổ chức các chốt chặn,Tổng Cục QLTT phải chủ động khai thác các nguồn thông tin để nắm được những trung tâm ổ dịch bệnh, những hoạt động vi phạm pháp luật cũng như các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ trong kinh doanh bán các sản phẩm bị dịch bệnh để đảm bảo chức năng kiểm tra kiểm soát thị trường.

 

Chủ động đề xuất báo cáo với lãnh đạo Bộ những giải pháp tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị có cơ chế, quy định cụ thể cho lực lượng QLTT tại các địa phương, đặc biệt là những trung tâm đang có dịch bệnh lớn. Phải có báo cáo kịp thời, bám sát thực tiễn, không chỉ là những con số mà còn là những hoạt động, kế hoạch cụ thể mang tính dài hạn đảm bảo sự bền vững trong kế hoạch; Tổng Cục QLTT thường xuyên cập nhập thông tin để cung cấp cho truyền thông, báo chí để làm rõ vai trò, yêu cầu cũng như hiệu quả trong hoạt động của quản lý thị trường trong thực hiện nhiệm vụ ưu tiên của Văn phòng Chính phủ trong thời gian này.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Vụ Kế hoạch, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục tổng hợp, rà soát, đánh giá để thống nhất ngoài  thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cân đối bình ổn thị trường sẽ có những giải pháp khác đảm bảo sự phát triển của thị trường cũng như trong ngành chăn nuôi. Thông qua các kịch bản tăng trưởng, đánh giá các tác động về vĩ mô nếu có cũng như trong lĩnh vực cụ thể để đề xuất các giải pháp trong phối hợp của Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành khác. Lưu ý có những thông tin tuyên truyền để không ảnh hưởng đến công tác phát triển thị trưởng của ngành chăn nuôi nói chung và chế biến thịt lợn nói riêng. Nghiên cứu đánh giá lại quy mô cũng như tiềm năng của xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường từ đó có biện pháp kịp thời để vừa đảm bảo được giải quyết được sớm các dịch bệnh trong nước vừa giữ được thương hiệu, hình ảnh thông qua kiểm soát về chất lượng trong sản phẩm xuất khẩu để đảm bảo sự phát triển của thị trường.

 

Nguồn MOIT


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang