Thứ Hai, 25/11/2024 02:02:34 GMT+7
Lượt xem: 666

Tin đăng lúc 23-11-2022

Bộ Công Thương hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam và Kỷ niệm 40 năm thành lập Vụ Pháp chế

Ngày 22/11, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Kỷ niệm 40 năm thành lập Vụ Pháp chế.
Bộ Công Thương hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam và Kỷ niệm 40 năm thành lập Vụ Pháp chế
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Tới dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các đơn vị trong Bộ.

 

Ngày Pháp luật tại Bộ Công Thương là sự kiện chính trị thường niên với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho rằng: Kể từ khi Ngày Pháp luật được ghi nhận và công bố lần đầu tiên năm 2013, Bộ Công Thương nói chung và Vụ Pháp chế nói riêng đã nghiêm túc triển khai và tích cực tham gia hưởng ứng. Hằng năm, Bộ Công Thương luôn tổ chức ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều chủ đề và các khẩu hiệu hành động phù hợp, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương đã tập trung vào các hoạt động hoàn thiện thể chế, rà soát, hệ thống hóa, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp.

 

"Có thể khẳng định rằng, việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã và đang trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và đi vào nền nếp tại Bộ Công Thương. Ngày Pháp luật đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân"- ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định.

 

Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Chu Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng: Qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam đã có sức lan tỏa sâu rộng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta, trong đó có lĩnh vực pháp luật về thương mại, công nghiệp, ngày càng đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế.

 

Đồng thời, công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp...đã giúp thông tin pháp luật được truyền tải nhanh chóng, thuận lợi. Có thể khẳng định, trong thành công chung của đất nước và của ngành Công Thương thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật, những người làm công tác pháp luật.

 

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tập đoàn và các đơn vị thành viên luôn xác định nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, cùng với việc xây dựng, áp dụng hệ thống Quy chế quản lý nội bộ làm cơ sở, công cụ quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhằm từng bước nâng cao ý thức, chủ động tìm hiểu, tuân thủ pháp luật, Quy chế quản lý nội bộ, Tập đoàn đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các hình thức phong phú, đa dạng kết hợp với áp dụng công nghệ thông tin, nhất là từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành với sự khẳng định tôn vinh Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Hàng năm, Tập đoàn cũng đã xây dựng, thực hiện kế hoạch cho giai đoạn và kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật trong Tập đoàn với các nội dung, nhiệm vụ theo chủ đề. Các đơn vị thành viên cũng xây dựng kế hoạch và chủ động thực hiện phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Tập đoàn cũng xác định công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Qua các hoạt động, cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Tập đoàn đã từng bước hiểu, nâng cao nhận thức về ngày Pháp luật. Việc nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao nhận thức về pháp luật đã dần trở thành ý thức trước khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác tham mưu, đề xuất cấp trên bảo đảm việc ban hành các quyết định quản lý, điều hành được khả thi, hiệu quả và phù hợp với pháp luật.

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

 

Qua 10 năm thực hiện, ngày Pháp luật Việt Nam đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm hưởng ứng, trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, có sức lan tỏa sâu rộng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế về hình ảnh một nước Việt Nam dân chủ-pháp quyền, đổi mới, hội nhập, năng động, thượng tôn và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.

 

"Cùng với các cấp, các ngành trong cả nước, những năm qua, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực triển khai hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã có nhiều chuyển biến về nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Hiến pháp, pháp luật và ý thức tuân thủ, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương cũng như năng lực xây dựng, áp dụng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đất nước và mở rộng hội nhập quốc tế"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

 

Trong những thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của Vụ Pháp chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện thế chế, phổ biến, giáo dục và kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực công thương.

 

40 năm xứng đáng với vai trò, trách nhiệm của “người gác cổng pháp lý”

 

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương đã tổ chức Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (22/11/1982 – 22/11/2022).

 

Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Suốt 40 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Công Thương, sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong và ngoài Bộ, sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của lãnh đạo, công chức Vụ Pháp chế qua các thời kỳ, Vụ Pháp chế đã từng bước phát triển và trưởng thành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngày càng hiệu quả, chất lượng. Vụ Pháp chế luôn giữ vai trò nòng cốt là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương trong công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất, khả thi, minh bạch trước khi được ban hành và đi vào thực tiễn cuộc sống.

 

Trong 10 năm qua (kể từ khi sáp nhập Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại) hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương đã được ban hành, trong đó Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo một số văn bản. Cụ thể, Luật Quản lý ngoại thương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Nghị định về kinh doanh khí… qua đó tạo lập hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại.

 

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật trong nước, Vụ Pháp chế được Lãnh đạo Bộ giao phụ trách công tác pháp luật quốc tế, bao gồm: chủ trì đàm phán các nội dung về pháp lý – thể chế, giải quyết tranh chấp và rà soát pháp lý các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia bao gồm Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…. Vụ còn là đơn vị nghiên cứu, đề xuất việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và triển khai kế hoạch thực thi Công ước trên thực tế, phối hợp với các đơn vị soạn thảo, đàm phán, đóng góp ý kiến, rà soát, hệ thống hóa các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

 

Trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết Vụ sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc tham mưu, xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao vai trò “người gác cổng” về pháp lý của Bộ Công Thương.

 

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm

 

Ghi nhận và đánh giá về những nỗ lực, thành tích mà Vụ Pháp chế đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của Bộ đã luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; là lực lượng nòng cốt tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành Công Thương. Vụ đã thực hiện tốt công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hoá và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về công nghiệp và thương mại, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế trong Ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.

 

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và thành tích của Vụ Pháp chế cũng như của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ngành Công Thương đã đạt được trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật những năm qua.

 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tác động nhiều mặt đến hoạt động của ngành nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ nói riêng. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

 

Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật ngành công thương trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí lãnh đạo, công chức Vụ Pháp chế và các đơn vị trong mgành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới"; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật trong Ngành để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ với tinh thần "Thượng tôn pháp luật", hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 

Hai là, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ, bảo đảm đồng bộ, khả thi, ổn định nhằm kịp thời tham mưu thể chế hóa các Luật mới được Quốc hội ban hành để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống. Khẩn trương hoàn thành nghiên cứu, xây dựng các luật có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

 

Ba là, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan (cả trong và ngoài ngành) trong quá trình xây dựng, phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật. Chú trọng tổng kết thi hành pháp luật và đánh giá tác động chính sách để đề xuất việc hoàn thiện pháp luật; chủ động tham vấn rộng rãi ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động của chính sách; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin về các đề xuất chính sách, tạo sự đồng thuận của xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Bốn là, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật theo nguyên tắc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức chấp hành, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị và toàn Ngành.

 

Năm là, Vụ Pháp chế cần chủ động hơn nữa trong vai trò là đơn vị nòng cốt tham mưu giúp lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành Công Thương; tăng cường theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị, kịp thời tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác pháp chế trong Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật, góp phần tích cực xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Nhân dịp này, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tập thể Vụ Pháp chế và 11 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại Vụ Pháp chế đã có những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương" cho một số cá nhân đã có nhiều đóng góp cho trong công tác pháp chế của Bộ Công Thương.

 

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang