Chúng tôi sẽ không nhắc lại những biến cố đã xảy ra, bởi những vụ việc đó đã khiến cho hàng vạn công chức và người lao động – các thế hệ của ngành Công Thương dù đương chức hay đã nghỉ hưu đau cái đau không nói thành lời. 65 năm kể từ ngày thành lập ngành đóng vai trò then chốt của nền kinh tế quốc gia, có lẽ đây là sự kiện ồn ào nhất, đáng buồn nhất, để lại cú sốc - Một nét trầm không biết đến bao giờ mới nhạt phai và giờ là lúc, ngành Công Thương đang phải bình tĩnh, gắng gượng vượt qua.
Cần đến bản lĩnh và sự dũng cảm
Người đứng mũi chịu sào “gồng gánh” cái “di sản” - hậu quả của sự buông lỏng, không ai khác chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Không lâu sau ngày nhậm chức tư lệnh ngành, ông đã phải đăng đàn trước Quốc hội về hàng loạt những vấn đề bức xúc của xã hội, với hàng chục câu hỏi chất vấn, trong đó nhiều đại biểu đã nhắc lại cả những nội dung mà người tiền nhiệm “khất nợ” từ nhiệm kỳ trước. Điều mà đại biểu và dư luận đông đảo cử tri hài lòng chính là bản lĩnh của vị Bộ trưởng Bộ Công Thương. Với 7 tháng trên cương vị mới, ông đã nắm chắc những vấn đề nổi cộm của ngành và trả lời rành rọt từng câu hỏi của đại biểu, trong đó có thể nhận thấy, ông không phụ thuộc nhiều vào ghi chép, mà bằng cảm quan, bằng trí nhớ và sự tổng hợp của nhiều năm kinh qua cương vị Thứ trưởng Bộ Công Thương để minh họa cho phát biểu của mình có sức thuyết phục cao.
Người đứng đầu ngành Công Thương đã dám mạnh dạn nhận trách nhiệm, rồi đưa ra các giải pháp như một “cuộc cách mạng”, nhằm khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, với nhiều lĩnh vực: Từ các dự án đầu tư, đến quản lý sản xuất và lưu thông phân bón, hóa chất, chế biến thức ăn chăn nuôi; từ việc xả lũ tại các hồ thủy điện, đến việc ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ô tô, đến quy hoạch phát triển các dự án điện, nổi bật là vấn đề tái cơ cấu và kiện toàn lại tổ chức của ngành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dừng triển khai dự án điện hạt nhân – Một quyết định, mà theo nhiều đại biểu và dư luận cho là hết sức dũng cảm.
Nói Bộ trưởng Bộ Công Thương là người bản lĩnh và dũng cảm không phải là để “nịnh” ông, nhưng thực sự đúng như vậy, bởi ngay sau khi nhận chức được ít ngày, ông đã quyết định thay Phụ trách Văn phòng Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và chính ông đang khởi xướng một cuộc “cải tổ” toàn diện Bộ Công Thương theo chiều hướng tinh gọn, hiệu quả. Một bộ máy cồng kềnh, thậm chí chồng chéo chức năng sẽ được thu hẹp lại, rút gọn đầu mối và có thể nói đây là vấn đề vô cùng nan giải, vì cho đến nay, mới chỉ có Bộ Công Thương “lĩnh ấn” đi tiên phong trong công tác xếp sắp lại mô hình tổ chức, bố trí lại cán bộ, giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối... Chắc chắn, bên cạnh các cơ quan Bộ thực hiện “tái cơ cấu” thì các doanh nghiệp, viện, trường trong ngành Công Thương cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quy hoạch vùng miền, giảm được bộ máy gián tiếp, đảm bảo hoạt động trơn tru, xứng tầm là một Bộ lớn giữ vai trò then chốt, đóng góp 2/3 tổng thu ngân sách cho nền kinh tế quốc gia. Những tín hiệu mới trên đây, có thể khẳng định là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đang hành động, quyết liệt với yếu kém, sẵn sàng loại bỏ những “công thần” thiếu tâm, thiếu tầm, với mong muốn xây dựng Bộ Công Thương trở thành một trong những ngành có bộ máy nhân sự được hoàn thiện một cách bài bản, công khai, qua đó sẽ vận hành hiệu quả, góp phần tạo nên một Chính phủ kiến tạo như mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Còn đó nhiều thách thức
Chúng ta ghi nhận những động thái tích cực bước đầu từ Bộ Công Thương, nó như một luồng gió mới và hy vọng “cuộc đại phẫu” này sẽ đem lại sự chuyển biến quan trọng từ tư duy đến hành động của mỗi công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. Tuy nhiên, chỉ một mình Bộ trưởng “ra tay” thì e rằng chưa đủ.
Việc sắp xếp lại tổ chức, thu hẹp đầu mối được cho là quyết liệt, nhưng còn đó vẫn những con người cũ, thậm chí có cả những “tác nhân” đã “đóng góp” vào những lùm xùm của ngành trong suốt thời gian qua. Không biết rồi đây, trong các cuộc họp giao ban, có còn diễn ra tình trạng cán bộ vụ này, cục kia đổ lỗi cho nhau khi được phân công góp ý vào các thông tư, nghị định hay xử lý các vấn đề liên quan đến ngành? Cũng không biết, người đứng đầu ngành Công Thương sẽ xử lý thế nào khi phải “đụng chạm” đến hàng loạt “chức sắc”, có “dây mơ, rễ má” chằng chịt trong các mối quan hệ cũ, mới, bởi nó liên quan đến lợi ích cá nhân của họ? Rồi ngay cả khi có sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy, thì hiện tại, đội ngũ công chức, viên chức – những người giữ cương vị chủ chốt ở các vụ, cục cũng còn quá đông, một số còn rất trẻ, chưa phải là đã am hiểu sâu về ngành, thậm chí có công chức soạn thảo tờ văn bản cũng còn “lớ ngớ” thì sao có thể xây dựng, ban hành thông tư, nghị định để hoàn chỉnh hệ thống pháp quy trình các cấp phê duyệt? Đấy là chưa kể tới hàng loạt quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành, các lĩnh vực đã triển khai nhưng xem ra ít tính khả thi (nếu không nói là thất bại), mà điển hình nhất là chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ… Rồi còn đó, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong ngành đang tạo sức ép không thể chậm trễ được, hay cả những việc nhỏ mà không hề nhỏ là các công ty kinh doanh đa cấp hoạt động trá hình đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội?...
Đúng là thách thức, là “cuộc chiến” cam go, đòi hỏi bản lĩnh đối với Bộ Công Thương nói chung và cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói riêng. Chắc chắn, trong quá trình triển khai sẽ bị “va chạm”, vấp nhiều lực cản, nhưng sẽ có đa số người tâm huyết với ngành Công Thương đặt niềm tin và ủng hộ cuộc “cải tổ” này. Trong bối cảnh hiện tại, chỉ cần xiết chặt đội ngũ công chức, viên chức, mạnh dạn lập lại kỷ cương, loại bỏ tư tưởng bè phái, cục bộ, đặt lợi ích của dân, của đất nước lên hàng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì “cuộc cách mạng” của ngành sẽ sớm đem lại thành công./.
Mai Hương