Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các thành viên Tổ công tác, các Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng đông đảo lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương 8 vấn đề lớn
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương là cơ quan có vị trí quan trọng, tham mưu cho Chính phủ về cơ chế chính sách, các vấn đề vĩ mô, chiến lược phát triển ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp nặng, điện năng, dầu khí, xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, tham gia hợp tác ký kết hiệp định thương mại, vấn đề mở rộng, phát triển môi trường đầu tư trong và ngoài nước..., đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng giao Tổ công tác làm rõ 8 vấn đề, giải trình báo cáo lại Thủ tướng.
Thứ nhất, vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Tại Hội nghị tổng kết năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao bộ Công Thương chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức nội bộ. Với 1 Bộ có đến 30 vụ, cục, 11 tổng công ty lớn thì vấn đề tinh giản biên chế, hiệu quả của các đơn vị trực thuộc cũng cần xem xét.
“Vừa qua, các cơ quan cũng đã kiểm tra công tác tiếp nhận, sử dụng, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ ở Bộ Công Thương. Ngay cả vấn đề khi sử dụng cán bộ như tham tán thương mại ở nước ngoài cũng phải chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Công tác cán bộ có vấn đề, Bộ cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Bộ trưởng mới cũng đã cầu thị, cần làm tốt hơn công tác này” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, dư luận rất quan tâm tới hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ Công Thương, nhất là một số dự án thua lỗ. “Vậy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư với các dự án này ra sao, khi thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương, đề xuất? Phương án xử lý, tháo gỡ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước thế nào"?
Thứ ba là vấn đề phản ứng chính sách, xây dựng thương hiệu thị trường bán lẻ trong nước, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, nhất là những mặt hàng như gạo cà phê...., nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm dần vị trí bán lẻ của Việt Nam. Trên cơ sở đó tham mưu cơ chế chính sách hiệu quả.
Thứ tư, đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ là chủ trương lớn. Quan điểm của Thủ tướng là những gì nhà nước cần làm thì phải làm, nhà nước không cần nắm giữ thì phải thoái vốn, bán vốn để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp quyết liệt để đưa Sabeco và Habeco lên sàn chứng khoán, nhưng cần quyết tâm thực hiện lộ trình càng sớm càng tốt để đạt mục tiêu.
Thứ năm, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp đẩy mạnh các giải pháp cải cách, hoàn thiện thể chế, tích cực tháo gỡ khó khăn về điều kiện kinh doanh, vốn, thị trường... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, chương trình khởi nghiệp.
Thứ sáu, Bộ cần quan tâm công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, nhái, gian lận thương mại. Nhanh chóng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Đơn cử như vừa qua, Bộ đã quyết liệt xử lý vấn đề hàng đa cấp.
Thứ bảy, chú trọng đến vấn đề môi trường các dự án, quy trình vận hành các hồ thuỷ điện. Vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã họp với tất cả các đơn vị sản xuất điện quán triệt vấn đề môi trường, Bộ cũng đã lập đoàn kiểm tra thủy điện Hố Hô. Nhưng Thủ tướng lưu ý Bộ cần quan tâm xử lý sớm những băn khoăn của người dân địa phương khi phát triển thủy điện. Tương tự là vấn đề ô nhiễm tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, việc cấp phép xả thải tại các dự án như Formosa.
Đối với một số dự án như Tôn Hoa Sen ở Cà Ná, dù có băn khoăn môi trường nhưng nếu chủ đầu tư cam kết đáp ứng về công nghệ thì chấp nhận. Do đó cần Bộ Công Thương, Bộ Khoa học -Công nghệ đánh giá thiết bị, đánh giá công nghệ.
Thứ tám, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển năng lượng, trong đó có chiến lược điện lực. Thủ tướng yêu cầu không để miền Nam thiếu điện vì nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng lớn với tốc độ phát triển doanh nghiệp và sản xuất như hiện nay thì nhu cầu điện năng là rất lớn.
Thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị!
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là dịp để Bộ báo cáo làm rõ nhưng khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, đồng thời xác định được mục tiêu ưu tiên để thực hiện trong thời gian tới.
Đối với 8 nội dung Thủ tướng đã nêu là vấn đề lớn, lâu dài. Trên thực tế, Bộ đã, đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, toàn diện như: Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Khắc phục những tồn tại, kiện toàn đội ngũ, đổi mới nội dung và hình thức trong quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Đối với dự án thua lỗ, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp: Bộ đã rà soát đánh giá các dự án này, có lịch sử lâu dài khoảng 15 năm, rất phức tạp, do đó việc đánh giá cần có thời gian, không thể nóng vội vì liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và các vấn đề pháp lý, cơ chế... Tuy nhiên, đây cũng là điều mà Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Công Thương đã thực hiện và hoàn thành theo kế hoạch phê duyệt. Riêng đối với Sabeco và Habeco, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo và đang thực hiện nghiêm túc việc đưa hai doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán với mục tiêu bảo đảm bán giá cao nhất, giữ thương hiệu, giữ ngành sản xuất trong nước.
Đối với lĩnh vực quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, buôn lậu, Bộ cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, ưu tiên trong giai đoạn hiện nay.
Trong lĩnh vực môi trường, tăng cường quản lý thủy điện đã có bước tiến rõ rệt sau chỉ đạo quyết liệt. Đơn cử như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải đã chủ động mời người dân, chính quyền địa phương tham quan, kiểm tra, giám sát. Sắp tới, Bộ sẽ triển khai ở các lĩnh vực khác như hóa chất...
Đối với 13 nhiệm vụ trong số 486 nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương từ đầu năm đến nay, Bộ đã hoàn thành 286, số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn là 187, số nhiệm vụ chưa hoàn thành là 13.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã giải trình nguyên nhân chậm tiến độ của 13 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong thời gian qua, đồng thời đề xuất hướng giải quyết, cam kết tiến độ cụ thể cho từng nhiệm vụ.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn như nhiều nội dung nhiệm vụ được giao có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, liên quan đến các cam kết quốc tế; do đó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, cơ quan đơn vị; nhiều nhiệm vụ liên quan đến cơ chế chính sách cần có sự thận trọng, thấu hiểu và chia sẻ, đảm bảo thuận lợi khi áp dụng vào cuộc sống thực tiễn.
“Với quan điểm nâng cao tinh thần trách nhiệm, không coi nhẹ chất lượng, vì vậy có những dự thảo Nghị định đã làm xong nhưng khi phát hiện vấn đề gây khó khăn, không phù hợp nên Bộ đã chủ động yêu cầu dừng lại để lấy thêm ý kiến” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, dù có tinh thần tiếp cận mới nhưng một bộ phận cán bộ vẫn chưa năng động, chủ động trong kết nối thực hiện; không có văn bản báo cáo đề xuất kịp thời cụ thể. Bộ cũng đã có Tổ công tác nhưng vẫn chưa thích nghi với công việc nên còn chuệch choạc, sẽ khắc phục thời gian tới.
Một số nhiệm vụ lớn quá hạn do còn nhiều ý kiến trái chiều hoặc chưa đạt được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, ví dụ như dự án cảng trung chuyển than ở Trà Vinh. Đối với các dự án tồn đọng của doanh nghiệp là do những lỗ hổng pháp lý, Bộ đã có báo cáo Chính phủ, trong đó đã phân tích các nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục...với mục đích hạn chế những thiệt hại, bảo toàn nguồn vốn của nhà nước.
Thống nhất nhất quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là phải tái cơ cấu lại cả bộ máy tổ chức, cán bộ; nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng giải thích thêm: “Bộ Công Thương được sáp nhập từ 8 Bộ nên dư luận cho là Bộ Công Thương cồng kềnh, phức tạp không hiệu quả".
Sau khi nghe giải trình, các ý kiến góp ý của các thành viên Tổ công tác và đại biểu tham dự, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá những kết quả đã đạt được của Bộ Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị. Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nội dung của Thủ tướng đề cập và các nội dung nhiệm vụ còn lại đúng tiến độ, chất lượng trên quan điểm cùng Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, minh bạch, chống lợi ích nhóm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước.
Với những nhiệm vụ liên quan đến cơ chế chính sách, nếu còn ý kiến xung đột, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức họp, nhằm hoàn thiện sớm để trình Chính phủ ban hành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin; các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ cần phát huy sáng tạo, dân chủ; tăng cường phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ chung; ủng hộ Bộ trưởng trong công tác quản lý điều hành, đổi mới để phát triển bền vững.
Nguồn Báo Công Thương