Thứ Tư, 27/11/2024 06:26:05 GMT+7
Lượt xem: 954

Tin đăng lúc 21-09-2020

Bộ Công Thương sẽ cùng Hà Nội thúc đẩy phát triển công nghiệp – thương mại bền vững

Quan điểm đó được thống nhất tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương do Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì tổ chức mới đây. Tại Hội nghị, nhiều vấn đề lớn được lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra nhằm chung tay, phối hợp đưa thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm với Thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Bộ Công Thương sẽ cùng Hà Nội thúc đẩy phát triển công nghiệp – thương mại bền vững
Lãnh đạo Bộ Công Thương và TP Hà Nội ký ghi nhớ hợp tác

Chú trọng phát triển ngành công nghiệp thương mại của Thủ đô

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn 2016 – 2019 GRDP toàn TP Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,36%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng từ 85,77% năm 2015, dự kiến lên khoảng 86,7% năm 2020; công nghiệp công nghệ cao từng bước phát triển tích cực ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…; hạ tầng công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục được củng cố đồng bộ.

 

Thời gian qua, Bộ Công Thương và TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, phát triển công nghiệp - thương mại TP theo hướng nhanh và bền vững. Trong đó, đã xây dựng kế hoạch để hình thành một Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật phát triển cho lĩnh vực công nghiệp đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong phát triển các ngành công nghiệp của Thủ đô theo hướng trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

 

Để thúc đẩy thương mại trên địa bàn TP đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng của Hà Nội và của cả nước, Bộ Công Thương và Hà Nội đã có rất nhiều chương trình, hoạt động phối hợp cụ thể. Đặc biệt là sự chủ động, xông xáo của ngành Công Thương Hà Nội thời gian qua được thể hiện rất rõ và cho thấy tác dụng thiết thực như các hoạt động kích cầu tiêu dùng, tổ chức các chương trình khuyến mại, đưa hàng về nông thôn, kết nối với các địa phương trong Vùng và trong cả nước... liên tục được tổ chức thường xuyên, nhiều hoạt động có qui mô lớn. Trên cơ sở Chiến lược phát triển thương mại nội địa đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, Bộ sẽ cùng với Hà Nội tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng các chương trình, hoạt động một cách căn cơ và dài hạn hơn nhằm tạo đột phá trong khâu tổ chức thị trường và phát triển thương mại nội địa trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.

 

Ngoài ra, hai bên còn cùng nhau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19; tăng cường hỗ trợ phát triền nghề, làng nghề và các cơ sở công nghiệp nông thôn.

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa hai bên. Đồng thời cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa hoạt động phối hợp cùng Hà Nội thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông...

 

Bộ Công Thương đề nghị TP Hà Nội tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại điện tử và chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận mặt bằng, dịch vụ logistics, các chương trình hỗ trợ xúc tiến... để thâm nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng.

 

Hỗ trợ đưa Hà Nội thành trung tâm công nghiệp, thương mại hiện đại

 

Đây là đề xuất của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại Hội nghị. Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với TP xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá. Đặc biệt là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.

 

Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy đề nghị, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực khác cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn, liên tục. Hướng dẫn và phối hợp Hà Nội trong thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số các công trình 120 kV, 220 kV và Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. Bên cạnh đó hướng dẫn TP lập phương án cấp điện theo quy hoạch, hướng dẫn triển khai quản lý quy hoạch, phát triển ngành điện tại địa phương, giải quyết kịp thời vướng mắc trong phát triển điện lực. TP cũng tăng cường phối hợp với Bộ trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.

 

Trong lĩnh vực thương mại, đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Hà Nội xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn.

 

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thành phố trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, các chợ đầu mối; giới thiệu các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam.

 

Đặc biệt là hỗ trợ thành phố triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này.

 

Kết thúc Hội nghị, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ với các nội dung hợp tác từ lĩnh vực công nghiệp, năng lượng cho đến phát triển thương mại, nhằm tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa hai bên.

 

Hoa Nguyễn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang