Ngành Công Thương cùng cả nước vượt khó
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022 là thời điểm diễn ra rất nhiều những sự kiện và những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng. Điển hình là đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với những chủng mới trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Để quyết định được việc mở cửa lần hai nền kinh tế vào ngày 15/3 là một quyết định vô cùng khó khăn.
Ngay sau đó, khó khăn lại đến khi xảy ra các xung đột địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine. Những xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục tăng cao làm cho tình hình thế giới bất định. Các quốc gia đều tung ra những gói kích cầu sau đại dịch và vì thế cũng làm gia tăng tình hình lạm phát... Các yếu tố trên đã dẫn đến những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, nhất là các vật tư chiến lược như: Xăng dầu, phân bón và các nguyên, nhiên vật liệu khác...
Tại Việt Nam, những yếu tố khác như chính sách Zero Covid của nước bạn cũng làm ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung về nguyên liệu cho các ngành sản xuất. Đồng thời ảnh hưởng đến đầu ra cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông sản.
Về xăng dầu, cùng với sự khó khăn của cả thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn cung do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm được theo kế hoạch. Cho nên trong 3 tháng đầu năm, việc điều hành xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là do nguồn cung về xăng dầu cùng với việc giá cả leo thang.
“Tuy nhiên, trước bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, chính trị ổn định, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Vai trò và vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong thành tích chung có sự đóng góp rất quan trọng và tích cực của ngành Công Thương” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng chỉ rõ, những gì chúng ta đạt được so với kế hoạch là rất cao nhưng nếu so với thời điểm trước khi diễn ra đại dịch thì chưa như mong muốn. Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng còn một số việc chúng ta đã từng chỉ ra, đã mong muốn nhưng dù đã có sự nỗ lực cao song kết quả còn hạn chế. Cộng với những thách thức vẫn còn ở phía trước như tình hình lạm phát trên phạm vi toàn cầu, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược như xăng dầu, phân bón hoặc các hóa chất cơ bản là các nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế trong việc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng chưa có dấu hiệu kết thúc. Cho nên, dự báo tình hình thế giới cả về chính trị và kinh tế sẽ còn rất bất ổn và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nước ta. Vậy làm gì để đạt được mục tiêu chung về kinh tế xã hội của cả nước, đạt và vượt được mục tiêu của ngành đã đề ra?
Bộ trưởng nêu rõ, hội nghị này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi không chỉ đánh giá tình hình, kết quả đạt được, rút ra những nguyên nhân, bài học trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện mà quan trọng là cùng nhau đánh giá, dự báo tình hình, cùng nhau đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp đủ mạnh và khả thi để triển khai thực hiện.
Sản xuất công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng của cả nước
Báo cáo của Bộ Công Thương do bà Nguyễn Thị Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương tại hội nghị cho thấy, về sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2021 tăng 5,74%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; ngành khai khoáng tăng 3,9%.
So với cùng kỳ năm trước, có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bình Phước (tăng 23,7%), Hà Giang (tăng 23%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)…
“Nhiều nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh như nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng; ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Khai thác dầu, khí và than vượt kế hoạch cùng với gia tăng nhập khẩu đã đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu, than cho các hộ sản xuất, cho tiêu dùng ở thị trường trong nước, có dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng và đặc biệt đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (thu ngân sách từ khai thác dầu thô tăng hơn 80% so với cùng kỳ)” - bà Nguyễn Thúy Hiền khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch phát biểu tại hội nghị
Cùng với việc gia tăng chỉ số sản xuất, Chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực khi 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2022 tăng 14,1% (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%).
Xuất nhập khẩu, thị trường nội địa duy trì tăng trưởng
Bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết thêm, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 52,5%), do giá xuất khẩu của các mặt hàng (xăng dầu, dầu thô, than đá) tăng cao. Nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 17%, trong đó, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...
Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%).
Nhìn chung, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu: 6 tháng năm 2022 cấp C/O mẫu CPTPP đạt 1,32 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ…
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%.
“Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - bà Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh.
Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực, cao hơn mức tăng 6 tháng của năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch bệnh; hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng cao, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7-16,3%).
Thời gian qua, hầu hết các địa phương đã tích cực triển khai Chương trình khuyến mại, Chương trình kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản tới vụ trên địa bàn. So với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao trên 10% như: Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều giải pháp mới quyết liệt để bảo nguồn cung và kiềm chế giá xăng dầu
Riêng với lĩnh vực xăng dầu, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên xu hướng tăng, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến sức mua và nguồn cung trong nước.
Đại diện các Cục, Vụ, các đơn vị của Bộ tham gia hội nghị
Trong bối cảnh đó, Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, làm việc với các đơn vị sản xuất lớn thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, kể cả trong những giai đoạn nhu cầu tăng cao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng.
Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Uỷ Ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Khi nguồn cung xăng dầu trên thị trường gặp khó khăn, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý I và Quý II/2022 đến nay luôn được đảm bảo, có gối đầu sang Quý III.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, ngành Công Thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực; việc nhập khẩu nguyên vật liệu và giao hàng vẫn còn chậm trễ; một số nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu nhu cầu thế giới suy giảm… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hẹp đầu tư cho sản xuất.
Một số "điểm nghẽn"
Bên cạnh đó, một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến, chế tạo như TP Hồ Chí Minh, Long An… vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch bệnh. Việc nối lại thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.
Song song với đó, một số nông sản còn quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.
Ngoài ra, sức mua thị trường trong nước được khôi phục trở lại nhưng chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm các hàng hóa không thiết yếu tăng thấp...Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.
6 nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm
6 tháng cuối năm, nền kinh tế dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; Điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%, trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2022, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành…
Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón…cho sản xuất và sinh hoạt.
Ba là, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Uỷ Ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Bốn là, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất: Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Năm là, kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện hiệu quả Nghị định thay thế Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 28/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; hoàn thành việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ; Hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021 - 2025; Đề án luân chuyển cán bộ theo tinh thần Nghị quyết TW 3, Khóa VIII và Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ.
Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.
Theo Congthuong.vn