Thứ Ba, 26/11/2024 04:47:50 GMT+7
Lượt xem: 1491

Tin đăng lúc 11-08-2018

Bộ Công Thương tăng cường quản lý đảm bảo an toàn hồ, đập

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát tăng cường quản lý, đảm bảo vận hành an toàn hồ, đập.
Bộ Công Thương tăng cường quản lý đảm bảo an toàn hồ, đập
Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát tăng cường quản lý, đảm bảo vận hành an toàn hồ, đập

Rà soát lại quy hoạch thủy điện

 

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp đặt 23.182MW, trong đó đã đưa vào khai thác sử dụng 385 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 18.564MW, đang xây dựng 143 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 1.848MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 2.770MW.

 

Xét chung trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các DATĐ đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, theo đó, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện và loại khỏi quy hoạch 463 DATĐ chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường. Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh có dự án thủy điện để rà soát, đánh giá công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và bộ sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh thực hiện việc này.

 

Từ năm 2013 đến nay, các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình thủy điện nói riêng từ giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, đưa vào sử dụng, bảo trì đã đầy đủ và đảm bảo cho việc thực hiện quản lý của cơ quan nhà nước nên tình trạng sự cố trong quá trình xây dựng đã giảm.

 

Siết chặt công tác quản lý an toàn hồ, đập thủy điện

 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành, trong đó có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện, công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập tại 345 công trình thủy điện còn lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã được chủ đập thực hiện đăng ký an toàn đập theo đúng quy định.

 

Đánh giá về nội dung quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa, cụ thể các QTVH liên hồ quy định đầy đủ, chặt chẽ sự phối hợp giữa chủ hồ với chủ hồ, giữa các chủ hồ với các cơ quan có liên quan trong việc vận hành hồ chứa bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả tài nguyên nước trên 11 lưu vực sông.

 

Đáng chú ý, đối với QTVH đơn hồ bảo đảm phù hợp với QTHV liên hồ đặc thù công trình, hạ du, quy định chặt chẽ về cảnh báo khi vận hành phát điện và xả lũ, phối hợp với chính quyền địa phương. Với các hồ chưa đáp ứng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các chủ đập thủy điện rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

 

Bộ Công Thương khẳng định, đến nay, các chủ đập đã thực hiện việc rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung QTVH và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ban hành lại; các chủ hồ đang tiếp tục rà soát QTVH theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Đặc biệt để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, QTVH các hồ chứa thủy điện đã rà soát được bổ sung quy định về cảnh báo trước khi vận hành phát điện.

 

Riêng với lĩnh vực quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận hành hồ chứa an toàn và hiệu quả. Theo đó, các chủ đập thủy điện đã tuân thủ việc quan trắc khí tượng thủy văn, cụ thể: Về KTTV trên lưu vực, các chủ đập thủy điện ký hợp đồng cung cấp thông tin dự báo KTTV với cơ quan dự báo KTTV khu vực hoặc tự thu thập, cập nhật thông tin trên trang mạng của các cơ quan dự báo KTTV; về mực nước thượng, hạ lưu hồ và lượng mưa trên đập chính các chủ hồ tự quan trắc. Đặc biệt, có chủ đập đã chủ động lắp đặt các trạm quan trắc riêng để nâng cao tính chủ động kiểm soát lũ và nâng cao hiệu quả điều tiết hồ chứa.

 

Về quản lý an toàn đập, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP và Thông tư số 34/2010/TT-BCT…, trong công tác quản lý an toàn đập thủy điện, các chủ đập phải thực hiện quan trắc, bảo trì, kiểm tra, sửa chữa, kiểm định đập; xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập… Hiện đa số chủ đập thủy điện đã thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập, cụ thể đăng ký an toàn đập có 345/345 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định.

 

Thực hiện việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, năm 2018 có 315/345 đập có phương án được phê duyệt, 30 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập: 302/345 đập có phương án được phê duyệt, 43 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Riêng đối với 5 hồ thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát) hàng năm được Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn đập. Năm 2018, tại Thông báo số 2190/BKHCN-CNN ngày 17/7/2018, Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà đánh giá các đập của hồ chứa trên làm việc an toàn, ổn định.

 

Tập trung đồng bộ các giải pháp

 

Để thực hiện tốt công tác vận hành hồ, quản lý an toàn đập thủy điện, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: Rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủy điện để bảo đảm an toàn, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP; Xây dựng chương trình để nâng cao năng lực quản lý thủy điện cho cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

 

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập vốn vay Ngân hàng thế giới, gồm 2 hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu hồ chứa, công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát an toàn đập thủy điện và xây dựng phương pháp đánh giá an toàn đập thuỷ điện, thí điểm đánh giá cho một số loại đập điển hình.

 

Ngoài ra, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện. Đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện và loại những DATĐ hiệu quả thấp hoặc ảnh hưởng xấu đến môi trường - xã hội.

 

Để việc vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện, ngoài những giải pháp trên, trong thời gian tới Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung: Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập bảo đảm đầy đủ, chi tiết, khả thi…. Trước mắt khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP.

 

Đối với UBND các tỉnh, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát vùng hạ du các hồ chứa thủy điện và có giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện.

 

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp các chủ đập thủy điện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng xử với lũ, lụt, sự phối hợp của nhân dân và các đơn vị chức năng ở hạ du; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du thuộc trách nhiệm của chủ đập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt trên cơ sở năng lực tham gia cắt giảm lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực, đặc điểm lũ của lưu vực, tình hình bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp… phía hạ du.

 

Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện.

 

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chủ đập thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát tổng thể quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện, thủy lợi để sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Về công tác quan trắc KTTV, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng các bản tin KTTV sát với thực tế.

 

Đối với hành lang thoát lũ, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh phối hợp với các chủ đập rà soát tổng thể vùng hạ du đập và có biện pháp xử lý, quản lý chặt chẽ hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang