Thứ Sáu, 22/11/2024 12:17:49 GMT+7
Lượt xem: 1932

Tin đăng lúc 05-06-2019

Bộ Công Thương tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp 4.0

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), trong thời gian tới, bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách một cách đồng bộ cho việc tiếp cận và khai thác thành quả của CMCN 4.0, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0.
Bộ Công Thương tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp 4.0
Ngành Công Thương đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh

Tác động lớn tới tăng trưởng

 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ tới mô hình tăng trưởng và mô hình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam, đặt ra yêu cầu ngày càng lớn hơn đối với quá trình tái cơ cấu các ngành và tái cơ cấu đầu tư. Đặc biệt, sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu của các ngành công nghiệp, cơ cấu xuất nhập khẩu cũng như đóng góp của mỗi ngành trong tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của nước ta thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 làm thay đổi phương thức giao dịch, từ đó xuất hiện nhiều các phương thức kinh doanh thương mại mới. CMCN 4.0 cũng sẽ tác động lớn tới lao động và việc làm, từ đó làm thay đổi bản chất của lao động, cách thức các yếu tố nguồn lực con người tham gia và gia tăng giá trị trong chuỗi giá trị công nghiệp.

 

Trong sản xuất, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ cuộc CMCN 4.0 vào quá trình sản xuất sẽ làm thay đổi bản chất cũng như vai trò của các yếu tố đầu vào truyền thống trong hoạt động sản xuất: vốn, lao động. Khoa học và công nghệ trở thành nguồn lực trực tiếp, tham gia vào các quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra các giá trị mới, sản phẩm mới, thậm chí là những ngành/lĩnh vực mới.

 

Tuy nhiên, cuộc CMCN lần thứ tư là xu thế tất yếu. Theo đó, chủ động tham gia CMCN 4.0 vừa là yêu cầu, vừa là thách thức mà Việt Nam cần phải nhanh chóng vượt qua để tận dụng tốt nhất những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại. CMCN 4.0 phải được tiếp cận cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để một mặt tạo môi trường bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội có thể tiếp cận, tận dụng các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, đồng thời, đảm bảo được sự tập trung nguồn lực vào khai thác các ngành, lĩnh vực có thế mạnh cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành được ưu tiên phát triển.

 

Các chính sách được thiết lập cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy phát triển cho mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đồng thời, tập trung giải quyết những nguyên nhân và vấn đề có tính chất căn cơ để nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận của cuộc cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp, từng bước nâng cao trình độ, khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực là động lực quan trọng nhất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất hiện đại, tiên tiến trong tương lai.

 

Do cuộc CMCN4.0 có khả năng thay đổi cục diện về phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, trong đó có Việt Nam, vì vậy, việc chúng ta có thể tham gia được vào cuộc cách mạng này hoặc định vị lại vị thế của Việt Nam trên bản đồ của nền sản xuất toàn cầu hay không hay tiếp tục tụt lại phía sau và không thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” phụ thuộc vào việc lựa chọn chính sách phát triển kinh tế xã hội cũng như chính sách về phát triển khoa học và công nghệ thời điểm này.

 

Với một xuất phát điểm thấp, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, Việt Nam cần lựa chọn một chiến lược tiếp cận phù hợp đối với cuộc CMCN 4.0. Chúng ta không thể có một mục tiêu và định hướng quá kỳ vọng, thiếu khả thi. Thay vào đó, chiến lược tiếp cận của Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng trước mắt cần tập trung vào đổi mới, nâng cấp nền sản xuất hiện tại, đẩy nhanh quá trình này bằng việc tận dụng những cơ hội và hấp thu nhanh chóng các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0.

 

Chủ động nắm bắt thời cơ

 

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN lần thứ 4, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10/11/2017.

 

Theo đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với ngành Công Thương; triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về công nghiệp 4.0, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương; phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp 4.0; đánh giá tác động và tính sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia vào cuộc CMCN 4.0

 

Trong thời gian tới, để chủ động tham gia vào cuộc CMCN4.0, công tác triển khai của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề sau: Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; nhanh chóng triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2035 trên quan điểm và cách thức tiếp cận với CMCN4.0; thực hiện rà soát, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách một cách đồng bộ cho việc tiếp cận và khai thác thành quả của CMCN4.0.

 

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ triển khai các chương trình, đề án của Bộ về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển các mô hình đào tạo phù hợp, thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN4.0; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0.

 

Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội và có giải pháp nhanh chóng vượt qua các thách thức của cuộc CMCN 4.0, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, tập trung vào các vấn đề về phát triển khoa học và công nghệ, thiết lập hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ số phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm tổ chức và triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về 4.0, trong đó, cần có cơ chế hiệu quả để tăng cường sự tham gia của các bộ chuyên ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ 4.0 trong các ngành/lĩnh vực; có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp tham gia vào hoạt đông nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ gắn với cuộc CMCN 4.0.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động và Thương binh xã hội cần sớm ban hành và triển khai Chiến lược quốc gia về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0. Đây cũng là căn cứ quan trọng các bộ chuyên ngành trong đó có Bộ Công Thương định hướng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của ngành; đồng thời là đầu vào quan trọng phục vụ quá trình tái cơ cấu, phát triển ngành trước yêu cầu của cuộc CMCN4.0.

 

Theo congthuong.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang