Xác định CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/ thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
I. Sở Công Thương các tỉnh/ thành phố
1. Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Hàng năm, ban hành Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đối với các TTHC được Bộ Công Thương phân cấp quản lý, gắn liền với việc thực hiện kết nối các DVCTT đã hoạt động với Cổng DVCTT của Bộ Công Thương.
2. Nghiêm túc tổ chức thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
3. Theo thẩm quyền tăng cường phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương cho các cấp quận, huyện, xã, phường; chủ động nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hoạt động được phân cấp đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
4. Phối hợp chặt chẽ với Sở, ngành, cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động chỉ đạo điều hành; kết quả, tình hình triển khai công tác CCHC của ngành Công Thương ở các cấp; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực Công Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.
II. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương
1. Nhiệm vụ chung
a) Trên cơ sở các Chương trình, Kế hoạch về CCHC hàng năm của Bộ Công Thương; chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra, ban hành kịp thời các Chương trình, Kế hoạch hành động tại đơn vị để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.
b) Tập trung nguồn lực để hoàn thành các Chương trình, Kế hoạch về CCHC hàng năm của Chính phủ và Bộ Công Thương, đặc biệt là các Chương trình, Kế hoạch về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); rà soát, kiểm soát TTHC; thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm.
c) Tăng cường, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được giao phụ trách.
d) Trong quá trình đăng ký xây dựng VBQPPL, cần cân nhắc kỹ các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các VBQPPL đã đăng ký vào Chương trình xây dựng VBQPPL hàng năm của Bộ.
e) Phối hợp với Vụ Pháp chế làm tốt công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL thuộc lĩnh vực Công Thương do Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan xây dựng; thường xuyên thực hiện rà soát các VBQPPL có quy định TTHC thuộc phạm vi phụ trách theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương trong các lĩnh vực hiện đang được Bộ Công Thương trực tiếp giải quyết.
f) Chủ động dự thảo Quyết định công bố TTHC đối với các VBQPPL có quy định TTHC ngay sau khi văn bản được ban hành để đảm bảo thời hạn công bố TTHC đúng theo quy định “trước 20 ngày làm việc tính đến ngày VBQPPL có hiệu lực thi hành”.
g) Nghiêm túc thực hiện các Quy chế về quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quản lý và sử dụng hệ thống văn bản điện tử (iMOIT) và Quy chế hoạt động Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
h) Chủ động nắm bắt, xử lý các vấn đề được dư luận quan tâm, phản ánh có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương do đơn vị phụ trách; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động chỉ đạo điều hành; kết quả, tình hình triển khai công tác CCHC tại đơn vị, cũng như của Bộ Công Thương; thực hiện công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực Công Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.
i) Phối hợp với Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tăng cường cung cấp các DVCTT mức độ 3 và 4 đối với các TTHC do đơn vị quản lý; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của đơn vị, đặc biệt là đối với hệ thống iMOIT, Email MOIT.
j) Phối hợp với Văn phòng Bộ và Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các DVCTT do Bộ Công Thương cung cấp.
2. Vụ Tổ chức cán bộ
a) Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ khẩn trương thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công Thương.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình, quy định trong công tác tổ chức cán bộ tại Bộ Công Thương.
3. Vụ Pháp chế
a) Chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thành đúng quy trình, tiến độ và chất lượng các VBQPPL thuộc Chương trình xây dựng VBQPPL hàng năm của Bộ Công Thương.
b) Khẩn trương xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn việc thống kê, công bố TTHC trong các VBQPPL có quy định TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; đồng thời, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị nghiêm túc thực hiện cập nhật, sửa đổi các TTHC lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và công bố, công khai TTHC theo quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh, làm tốt công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
d) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hỗ trợ các địa phương liên quan trong việc tổ chức thực hiện các TTHC được Bộ Công Thương phân cấp quản lý, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
e) Định kỳ hàng năm chủ trì tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát TTHC cho các cán bộ, công chức, viên chức liên quan thuộc Bộ Công Thương.
4. Vụ Kế hoạch
Chủ trì theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo đột xuất, định kỳ về kết quả, tình hình thực hiện các nhiệm vụ Bộ Công Thương giao cho các đơn vị thông qua các Nghị quyết, Chương trình hành động và văn bản cá biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
5. Vụ Khoa học và công nghệ
Chủ trì theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác ISO của Bộ Công Thương theo quy định của Bộ Khoa học và công nghệ và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương.
6. Vụ Tài chính
- Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị liên quan trong công tác xây dựng dự toán, thuyết minh và bảo vệ các Đề án, nhiệm vụ về CCHC của Bộ Công Thương hàng năm.
- Bố trí và tham mưu Lãnh đạo Bộ phân bổ kịp thời nguồn kinh phí CCHC hàng năm cho các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC tại Bộ Công Thương trong thời gian tới.
7. Vụ Thi đua và khen thưởng
Phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong công tác CCHC tại Bộ Công Thương, cũng như tại các đơn vị thuộc Bộ.
8. Vụ Phát triển nguồn nhân lực
Phối hợp với các đơn vị xây dựng và ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của Bộ Công Thương hàng năm đảm bảo hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; đồng thời, chủ trì theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện và hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của Bộ Công Thương.
9. Thanh tra Bộ
Trên cơ sở các Chương trình, Kế hoạch về thanh tra của Thanh tra Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ Công Thương đảm bảo hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ; đồng thời, theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng các Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ Công Thương.
10. Cục Xuất nhập khẩu
Chủ trì, phối hợp, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các TTHC thuộc lĩnh vực Công Thương trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công Thương.
11. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin
a) Khẩn trương hoàn thiện Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện theo đúng quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành các Kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và cung cấp DVCTT hàng năm của Bộ Công Thương đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
c) Đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo đột xuất, định kỳ về kết quả, tình hình thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Kế hoạch về ứng dụng CNTT và Kế hoạch cung cấp DVCTT hàng năm của Bộ Công Thương.
d) Phối hợp chặt chẽ với Cục xuất nhập khẩu trong việc triển khai các TTHC thuộc lĩnh vực Công Thương trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công Thương.
e) Phối hợp với Vụ Pháp chế theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các DVCTT mức độ 3 và 4 đối với các TTHC thuộc phạm vi phụ trách.
f) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, định kỳ tổ chức đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các DVCTT do Bộ Công Thương cung cấp, đồng thời, đề xuất các biện pháp, giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả phục vụ của Cổng DVCTT Bộ Công Thương.
g) Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh/ thành phố trong việc thực hiện kết nối các DVCTT đối với các TTHC được Bộ Công Thương phân cấp quản lý đã hoạt động vào Cổng DVCTT của Bộ Công Thương.
12. Các đơn vị báo chí, thông tin tuyên truyền thuộc Bộ
a) Đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ khai thác hiệu quả các Chương trình hợp tác thông tin tuyên truyền giữa Bộ Công Thương với các cơ quan thông tấn, báo chí và các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ Công Thương, tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động chỉ đạo điều hành; kết quả, tình hình triển khai công tác CCHC của Bộ Công Thương; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trong công tác CCHC trong lĩnh vực Công Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.
b) Phối hợp với Văn phòng Bộ hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng Kế hoạch truyền thông về CCHC hàng năm của Bộ Công Thương.
13. Văn phòng Bộ
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị đầu mối về CCHC của Bộ Công Thương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả, tình hình thực hiện Chỉ thị này.
b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đối chiếu, thống nhất và theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương; định kỳ hàng tuần tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình thực hiện để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ.
c) Căn cứ các Chương trình, Kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CCHC, tổng hợp báo cáo tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành các Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.
d) Chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện và hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng các Chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ về CCHC hàng năm của Bộ Công Thương.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương (thông qua Văn phòng Bộ) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, xử lý.
Nguồn MOIT