Theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ Công Thương đã đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó tiếp thu để văn bản có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế khách quan hơn. Tính đến nay, bộ đã trình Chính phủ 3 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ 1 Quyết định, ban hành 55 Thông tư đạt 98,3% kế hoạch.
Đối với công tác kiểm tra văn bản QPPL, theo Vụ Pháp chế, đây là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương. Theo đó, năm 2020, Vụ Pháp chế đã tự kiểm tra theo chuyên đề đối với 23 văn bản QPPL, văn bản có chứa QPPL do Bộ Công Thương ban hành liên quan đến lĩnh vực giá đang còn hiệu lực. Mặt khác, chủ trì kiểm tra các văn bản QPPL có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành. Tính đến ngày 15/12/2020, Vụ Pháp chế đã thực hiện kiểm tra đối với 625 văn bản của các bộ, ngành, địa phương ban hành và tiến hành họp kiểm tra, có biên bản xử lý kết quả kiểm tra đối với 305 văn bản có dấu hiệu chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, giai đoạn 2019-2020, với quan điểm không ngừng đổi mới, quyết liệt hành động và tiếp nối những thành quả đạt được từ công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý từ các năm trước đó Vụ Pháp chế đã tham mưu bộ có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Như vậy, đến nay, Bộ Công Thương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%). Hiện nay, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh theo các chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài ra, thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính, Vụ Pháp chế đã tham mưu bộ tổ chức triển khai nhiều hoạt động như: Hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của các chủ thể có thẩm quyền; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường; chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia…
Năm 2021, Vụ Pháp chế sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; chủ trì, phối hợp thực hiện việc tập huấn, phổ biến, tuyên truyền điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong lĩnh vực do bộ quản lý. |
Theo Congthuong