Kế hoạch hành động vì sự PTBV của Bộ Công Thương đã nêu 6 nhiệm vụ chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020. Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu PTBV; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PTBV ngành Công Thương.
Thứ hai, thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu PTBV và sản xuất tiêu dùng bền vững ngành Công Thương. Từng bước đưa nội dung giáo dục PTBV, các mục tiêu PTBV vào giảng dạy trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
Thứ ba, tăng cường năng lực cho các địa phương, cơ quan, tổ chức trong thực hiện, lồng ghép, giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV và sản xuất tiêu dùng bền vững ngành Công Thương.
Thứ tư, lồng ghép các mục tiêu PTBV trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển ngành Công Thương.
Thứ năm, nghiên cứu, triển khai thí điểm các giải pháp thực hiện PTBV, sản xuất tiêu dùng bền vững gồm: Thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm của Việt Nam theo hướng bền vững; thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững; thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Thứ sáu, giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu PTBV và xây dựng cơ sở dữ liệu về các mục tiêu PTBV ngành Công Thương.
Liên quan đến các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch hành động nhấn mạnh đến các giải pháp hàng đầu như triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV và sản xuất tiêu dùng bền vững đến năm 2030. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu các mục tiêu PTBV, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu; vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về các mục tiêu PTBV; công khai thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu để chia sẻ với các bên liên quan nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu này và để phục vụ công tác hoạch định chính sách.
Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững là đầu mối, chủ trì, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, chương trình của Kế hoạch hành động. |
Nguồn Báo Công Thương